Ở ngoại ô Munich, Đức, mỗi năm chứng kiến việc tiêu hủy rất nhiều chiếc BMW.
Trung tâm Tái chế và Tháo dỡ của tập đoàn BMW (RDC), được thành lập từ năm 1994, là nơi loại bỏ xe tiền sản xuất và xe thử nghiệm không đủ điều kiện để bán ra thị trường vì nhiều lý do.
Trung tâm này không chỉ đơn thuần phá hủy ô tô thành phế liệu, mà còn có tái chế các phần của xe BMW, nhằm đảm bảo quá trình sản xuất gây ra ít chất thải nhất có thể.
Trung tâm Tái chế và Tháo dỡ của Tập đoàn BMW (RDC) đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện lời hứa của BMW về tính bền vững. Ảnh: BMW
Quy trình tháo dỡ xe bắt đầu với việc kích hoạt túi khí, dây đai an toàn và ắc quy. Các chất hóa học phát sinh trong quá trình này được xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Tiếp theo, các thợ máy BMW sẽ loại bỏ tất cả chất lỏng như xăng dầu, nhớt, chất làm mát, nước rửa kính, sau đó tái sử dụng chúng.
Một máy xúc lớn sẽ tháo gỡ những phần còn lại của chiếc xe với độ chính xác cao như robot phẫu thuật. Mọi thành phần từ khối động cơ cho tới dây điện đều được phân loại cẩn thận để tái chế một cách hiệu quả. Riêng với xe điện, pin sẽ được tháo rời trước tiên.
Các bộ phận không thể tái sử dụng sẽ được ép thành các khối lập phương và chuyển tới các công ty tái chế khác để "chế biến" tiếp. Nguyên liệu thu hồi từ quá trình này có thể được sử dụng cho các mục đích khác.
Sự kết thúc vòng đời của một chiếc xe không phải là một cảnh tượng dành cho những người yêu xe. Một cỗ máy khổng lồ bắt đầu hoạt động, cánh tay sắt xé toạc từng bộ phận đã từng khiến những tín đồ tốc độ yêu thích. Ảnh: BMW
Theo quy định ở Đức, mỗi chiếc xe làm ra phải đáp ứng tiêu chuẩn là có ít nhất 85% bộ phận có thể tái chế được và 95% có thể xử lý hoặc tiêu hủy được.
RDC không chỉ là nơi tiêu hủy và tái chế xe hơi, mà còn cung cấp phản hồi quý giá cho các nhà thiết kế về việc sử dụng vật liệu nào để sản xuất ra chiếc xe tối ưu cả về việc sử dụng lâu dài và khả năng tái chế. Điều này góp phần tạo ra những chiếc xe thân thiện với môi trường trong toàn bộ vòng đời sản phẩm, không chỉ giảm thiểu lượng khí thải CO2 trong quá trình sử dụng.
Như Alexander Schüll, Giám đốc RDC, đã nói, chỉ khi tiếp cận phát triển sản phẩm theo mô hình tuần hoàn, thì việc sản xuất ô tô có thể đạt được sự bền vững toàn diện.
Theo autopro