Mua được xe đi thì sướng cho bản thân trước hết, nhưng có những nỗi khổ chỉ người có ô tô sống trong thành phố mới hiểu.
Để việc mua xe không còn là gánh nặng, mức thu nhập của người mua phải gấp 4-5 lần chi phí nuôi xe.
Từ trước đến nay, nhiều người Việt vẫn nuôi ước mơ để đi lại hằng ngày. Với mức thu nhập hàng tháng từ 15-20 triệu đồng, cùng với một khoản tiết kiệm, nhiều người đã ôm mộng sở hữu ô tô.
Dù chẳng đi lại nhiều, có người thỉnh thoảng mới đi về quê hay đi du lịch thì mới cần xe, còn không bắt Grab đi cũng được, chẳng sao. Tuy nhiên, với suy nghĩ sở hữu một chiếc xe vẫn hơn vì vừa có cái “có thể che mưa, che nắng”, lại hãnh diện hơn với bạn bè nên nhiều người đã quyết định tậu xe ngay.
Nhưng lại chưa lường trước được những nỗi khổ khi mới mua xe, đặc biệt của việc sở hữu xe trong thành phố. Sau khi mua xe, nhiều tài xế đã phải than phiền, thậm chí không ít đã bị sốc trước chi phí nuôi và gặp phải những điều bất tiện khi có xe sống trong thành phố. Cuối cùng là phải bán xe để “rảnh nợ”.
Vấn đề đầu tiên của việc sở hữu xe trong thành phố là chi phí nuôi xe. Để nuôi một chiếc xe hàng tháng trong thành phố, người dùng sẽ bỏ ra hàng loạt các chi phí như xăng xe, gửi xe, rửa xe, chăm sóc bảo dưỡng định kỳ, bảo hiểm.
Đối với một chiếc xe hạng B chi phí này khoảng từ 3-4 triệu đồng, hạng C từ 4-5 triệu đồng. Theo kinh nghiệm mua bán xe, để việc mua xe không còn là gánh nặng, mức thu nhập của người mua phải gấp 4-5 lần chi phí nuôi xe hàng tháng.
Có ô tô đi thì "sướng", nhưng có những điều khó nói thì không phải ai cũng hiểu.
Vấn đề thứ hai là tìm không gian đỗ xe trong thành phố, việc này cũng nan giải không kém. Khi đi xe máy, tài xế có thể dễ dàng tìm một chỗ đỗ, có khi chỉ cần dựng tạm bên vỉa hè cũng không sợ bị phạt. Còn có ô tô thì khó khăn hơn nhiều, việc tìm được một chỗ đỗ xe có đủ chỗ trống, không sợ bị phạt, lại vừa có bóng mát không phải là chuyện đơn giản.
Đơn cử câu chuyện của một người đồng nghiệp, dù văn phòng làm việc nằm ngay trung tâm thành phố, nhưng anh còn không tìm được suất để gửi xe riêng, mỗi lần gửi xe bên ngoài phải tốn một khoản tiền không nhỏ cho 8 tiếng ở lại văn phòng. Nhiều khi muốn đi ăn phở trong khu phố cổ cũng ngại đi, vì không phải quán ăn hay quán cafe nào cũng có chỗ gửi xe và chi phí gửi xe cũng quá đắt đỏ.
Bên cạnh đó, việc di chuyển trong thành phố với ô tô cũng chẳng dễ dàng gì. Đường tắc thường xuyên, nhất là khi đi vào các giờ cao điểm. Nhiều người đi ô tô phải nhúc nhích từng tí, có khi mất cả tiếng đồng hồ cho quãng đường chỉ hơn 10 km. Việc xe bị đụng chạm cũng khó tránh khỏi khiến chủ xe mất cả tiền sơn sửa.
Không những thế, có ô tô trong thành phố còn sợ bị vặt đồ. Do gấp gáp nhiều người đỗ ngay xe bên lề đường để giải quyết công việc, nhưng không hiếm các trường hợp chủ xe đã bị bẻ trộm gương chiếu hậu, có người còn bị mất trộm hết các bánh.
Đi ô tô trong thành phố khó khăn nhất là tìm được chỗ đỗ xe.
Ngoài ra, còn có “một ngàn lẻ một” nỗi khổ khác như phải đi đăng kiểm xe, thường bị mượn xe, đi bảo dưỡng cũng tốn đến vài triệu, bị chém giá cao hơn vì đi ô tô….
Chính vì vậy, không ít người chuyển từ cảm giác từ sung sướng đến cảm giác bực mình khi có ô tô. Nhiều người thậm chí phải “để xe đắp chiếu” hoặc bán sớm vì không chịu được cảnh này.
Tóm lại, không thể phủ nhận đi ô tô sướng hơn đi xe máy, nhất là trong lúc thời tiết ẩm ương. Mặc dù vậy, người mua cần phải tính toán hết các chi phí, đánh giá nhu cầu của gia đình nếu không thì chẳng khác nào "mua dây buộc mình".
Theo oto