Điều khiển phương tiện đi vào đường cấm là lỗi phổ biến đối với những lái mới chưa thạo đường. Người vi phạm sẽ chịu mức phạt khác nhau, tùy thuộc vào từng loại phương tiện.
Những khu vực, tuyến đường cấm xe thường có biển báo hiệu với nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ những xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
NHẬN DIỆN TUYẾN ĐƯỜNG CÓ BIỂN BÁO HIỆU CẤM XE
Theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2012/BGTVT, biển đường cấm là biển báo giao thông báo đường cấm tất cả các loại phương tiện (cơ giới và thô sơ) đi lại cả hai hướng, trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
Số hiệu biển báo: P.101. Biển đường cấm là biển báo giao thông hình tròn, nền màu trắng, viền màu đỏ.
Mức phạt đi vào đường cấm năm 2021 là bao nhiêu?
Theo thông tin tư vấn pháp luật xe ô tô mới nhất, với biển cấm từng loại phương tiện sẽ vẽ loại phương tiện đó bên trong và gạch chéo,nếu cấm nhiều loại phương tiện, biển báo sẽ thể hiện kết hợp các loại phương tiện bị cấm theo quy định như sau:
- Các loại phương tiện cơ giới kết hợp trên một biển. Ví dụ: biển số 105 hoặc biển số 107.
- Các loại phương tiện thô sơ kết hợp trên một biển. Ví dụ: biển số 113 có thể kết hợp với biển số 114.
Những tuyến đường cấm theo giờ sẽ đặt thêm biển phụ 508 dưới biển cấm. Bên trong biển phụ thể hiện thời gian cấm xe, có thể có thêm chú thích bằng tiếng Việt và phụ đề tiếng Anh nếu khu vực đó có nhiều người nước ngoài tham gia giao thông hoặc đây là tuyến tham gia giao thông theo điều ước quốc tế.
Các loại biển báo cấm.
MỨC PHẠT ĐI VÀO ĐƯỜNG CẤM NĂM 2021
Đi vào khu vực, đường cấm có biển cấm xe mà mình đang điều khiển sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Mức phạt áp dụng cho năm 2021 cụ thể như sau:
Đối với người điều khiển ô tô đi vào khu vực cấm, đường có biển báo cấm xe ô tô:
Phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 5, điểm a khoản 8 Điều 5 và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định (điểm b, khoản 4, Điều 5).
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng (điểm b, khoản 11, điều 5).
Đối với người điều khiển xe máy đi vào khu vực cấm hoặc đường có biển báo cấm xe máy:
Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, điểm b khoản 6, Điều 6 và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định (điểm i, khoản 3, Điều 6).
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng (điểm b, khoản 10, Điều 6).
Đối với xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện người điển khiển xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện đi vào khu vực cấm, đường có biển báo cấm xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện:
Phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng (điểm c, khoản 3, Điều 8).
Đối với người điều khiển đi vào khu vực cấm, đường có biển báo cấm máy kéo, xe máy chuyên dùng:
Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 4, điểm a khoản 8 Điều 7 và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định (theo điểm b khoản 3 Điều 7).
Ngoài ra, bị tước Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 - 3 tháng (điểm a, khoản 10, Điều 7).
Đối với xe đi vào đường cấm theo giờ
Đối với xe ô tô đi vào khu vực, đường có biển báo cấm phương tiện đang điều khiển theo giờ thì bị xử phạt như lỗi đi vào đường cấm, khu vực cấm.
Theo oto