+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google

Ngày tàn của các trạm đổ xăng đang đến gần tại Mỹ và châu Âu

Cập nhật: 19:59 04/02/2023
Sự phổ biến của các loại xe điện cùng chính sách phát triển hạ tầng trạm sạc công cộng ở nhiều nước trên thế giới đặt ra một câu hỏi: các trạm đổ xăng đang kinh doanh sôi động hiện nay sẽ đi về đâu?
 
 
Một trụ sạc xe điện tại trạm đổ xăng Rotten Robbie (San Jose, California, Mỹ). Ảnh: freewiretech
 
Nội dung chính:
 
Sự bùng nổ xe điện khiến các trạm sạc công cộng sẽ dần lấn át các trạm xăng dầu truyền thống.
Chủ sở hữu và vận hành các trạm dừng sẽ phải vật lộn để tìm ra chiến lược tồn tại, khi doanh thu từ bán nhiên liệu hóa thạch giảm dần và lợi nhuận từ mô hình trạm sạc chưa chắc chắn.
 
Tương lai thuộc về xe điện
 
Trong tiểu thuyết kinh điển “On the Road” năm 1957, nhà văn Jack Kerouac mô tả một tài xế đánh “một giấc ngon lành hai tiếng đồng hồ” dưới tán cây trước một trạm xăng, rồi hạ nhiệt bằng một “ly sữa lắc béo ngậy”.
 
Hơn một thế kỷ vừa qua, các trạm xăng đã trở thành trái tim trong văn hóa giao thông ở các quốc gia.
 
Ở Mỹ, các trạm đổ xăng chính là các trạm dừng chân, không chỉ để tiếp nhiên liệu, mà còn là nơi cung cấp thức ăn và chỉ đường cho các tài xế trên mọi nẻo đường.
 
Ngày càng nhiều quốc gia lựa chọn nhiên liệu sạch hơn cho giao thông đường bộ, nhiều chính sách ra đời đã thúc đẩy việc lắp đặt các trạm sạc công cộng nhằm phổ biến xe điện.
 
Thậm chí, nhiều chính phủ còn đặt ra lộ trình cấm hoàn toàn việc bán xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Chẳng hạn, Na Uy đến năm 2025 sẽ chỉ có xe điện là xe mới được bán ra, thời hạn này đối với các nước EU khác là đến năm 2035, Anh là năm 2030 và bang California (Mỹ) là năm 2035.
 
Với luật định như vậy, cộng thêm việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng trạm sạc công cộng, hiển nhiên trong tương lai người dùng sẽ chuyển sang dùng xe điện. Điều này đặt ra câu hỏi: số phận các trạm xăng sẽ ra sao?
 
Sự biến mất dần của các trạm xăng
 
Với lộ trình cấm xe nhiên liệu hóa thạch như vậy, 80% các trạm xăng ở Mỹ đến năm 2035 sẽ không còn lợi nhuận. Ngày càng nhiều thành phố của bang California không cho phép xây trạm xăng mới.
 
“Điều này sẽ khiến ngành kinh doanh bán lẻ xăng biến mất”, ông Sanjiv Patel, đại diện cho một số trong 250.000 chủ sở hữu và nhân viên trạm xăng của bang California, dự đoán.
 
Ông cho biết, khu vực Vịnh San Francisco là nơi có mật độ xe điện cao nhất nước Mỹ. “Sự biến mất của trạm xăng sẽ bắt đầu từ đây, và sau đó lan rộng”, ông nói.
 
Các trạm xăng được thiết kế để xe cộ đi vào rồi đi ra nhanh chóng: Bơm xăng, trả tiền rồi rời đi. Trên các tuyến đường đông đúc, chúng là mô hình kinh doanh chi phí thấp và quy mô lớn.
 
Xe điện thì lại khác. Cần nhiều thời gian để sạc đầy pin, và bộ sạc có thể đặt ở bất kỳ nơi nào: nhà riêng, nơi làm việc hoặc một quán cà phê sang chảnh. Trạm sạc xe điện sẽ giống quán cà phê Starbucks, chứ không phải kiểu kiến trúc sơ sài như trạm đổ xăng truyền thống.
 
Để tồn tại, các trạm xăng đang thử nghiệm các nguồn thu bền vững hơn, thêm vào dịch vụ rửa xe và mở rộng mặt hàng bách hóa. Càng ngày trạm xăng không chỉ bán mỗi cà phê hay thuốc lá, mà còn bánh mì tươi, nước ép hữu cơ, bánh bột cay Hàn Quốc hay gà nướng phết sữa chua kiểu Ấn.
 
Ngay cả trước khi xe điện ra đời, ngành bán lẻ xăng dầu ở Mỹ đã thu hẹp đáng kể. Theo Jeff Lenard của hiệp hội thương mại AC&FR, số lượng trạm xăng hiện nay đã giảm một nửa so với hồi những năm 1980.
 
Các nhà bán lẻ xăng dầu dần biến mất vì biên lợi nhuận kinh doanh nhiên liệu thấp và cạnh tranh hàng bách hóa gay gắt từ các ông lớn như Walmart và Costco. Nguồn kiếm thêm từ bảo dưỡng và dịch vụ cứu trợ kéo xe cũng bị các đại lý bán xe chiếm dần.
 
Theo phân tích của Tập đoàn Tư vấn Boston, trong vòng 15 năm tới, sẽ có hàng nghìn trạm xăng dầu dừng hoạt động.
 
Chuyển sang kinh doanh trạm sạc xe điện cũng chẳng dễ dàng
 
Mặc dù có vẻ ngành công nghiệp xe điện đang tận hưởng làn gió xuôi về chính sách, việc kinh doanh trạm sạc xe điện không hề đơn giản.
 
Theo ông Chris Bambury, thành viên Liên minh Nhiên liệu & Tiện ích California, việc xây dựng một trạm sạc đòi hỏi phải thiết kế lại trạm dừng cũ. Trạm sạc cần nhiều điện hơn một trạm dừng truyền thống, và nhà vận hành trạm sạc vẫn chưa biết phải thu chủ xe điện bao nhiêu tiền, vì giá điện luôn biến động.
 
Ở Mỹ, 61% số trạm xăng là do dân nhập cư sở hữu và vận hành, theo số liệu của Viện chính sách Tài khóa (FPI). Không yêu cầu vốn lớn, khả năng giao tiếp tiếng Anh mạnh hay tấm bằng đại học danh giá, trạm xăng là nơi xây dựng “giấc mơ Mỹ” cho nhiều người.
 
Theo ông Sanjiv Patel, số vốn 500.000USD (mà 4/5 số đó có thể vay từ Cơ quan Quản lý Tiểu thương SBA) là đủ để khởi nghiệp trạm xăng ở Bay Area.
 
Đến nay, các trạm dừng ở bang chỉ lắp thêm bộ sạc do bị yêu cầu chứ có rất ít người dùng. Giám đốc điều hành của chuỗi trạm dừng Rotten Robbie, ông Erin Graziosi, người đã đặt hai bộ sạc có giá 180.000 USD tại một trạm dừng ở San Jose mà đến giờ vẫn hầu như không dùng đến, cho biết: “Các trạm sạc chỉ dẫn đến thua lỗ chứ không phải là công cụ tạo doanh thu.”
 
Dĩ nhiên, nhiều xe sẽ vẫn còn tiếp tục cần đổ xăng sau thời hạn cấm bán xe. Sự chuyển đổi sang xe điện cũng tốn thời gian, nhưng lợi nhuận không đảm bảo của mô hình trạm sạc cũng khiến nhiều nhà đầu tư lưỡng lự, nhất là ở các khu vực thành thị giàu có, nơi cư dân có thể sạc xe tại nhà.
 
Thử nghiệm các chiến lược để tồn tại
 
Chiến lược sống còn của các trạm tiếp nhiên liệu chắc chắn phải chuyển sang mô hình trạm sạc điện. Các trạm xăng đang thử nghiệm các chiến lược mới.
 
Trên con đường Old Oakland của thành phố San Jose, Erin Graziosi đã cải tạo trạm xăng thành một công trình đẹp mắt, gồm các trạm bơm và hai bộ sạc xe điện, bên cạnh một cửa hàng tiện lợi rộng hơn 350 m2, bày bán đủ mọi hàng hóa, từ bình xịt chống mờ kính Pennzoil và Peak, cho đến các loại sinh tố caramel mặn, sáu loại cà phê mới pha và 14 kiểu bánh mì sandwich.
 
“Việc bán hàng tạp hóa trở thành trọng tâm hơn trước nhiều”, Graziosi cho biết. “Người dân muốn có nhiều hàng hóa đa dạng, nên chúng tôi cần có nhiều thứ để bán hơn.”
 
Việc bán hàng tươi sống đồng nghĩa chi phí lao động cao hơn, nhưng “chúng tôi đủ may mắn vì có thể chuyển hướng sang phục vụ thứ khách hàng cần”, ông Chris Bambury cho biết.
 
Theo autopro
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin đã lưu
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Duy trì đăng nhập
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên truy cập
Email
Gửi Đóng