Nếu người tiêu dùng mua phải phụ tùng giả thì sẽ phải tự chịu những rủi ro.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Hai Bà Trưng đã phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn lần lượt triệt phá 2 vụ án sản xuất và kinh doanh mua bán phụ tùng ô tô giả với nhiều thủ đoạn tinh vi, để biến phụ tùng trôi nổi gắn mác thương hiệu đã được bảo hộ. Câu hỏi nhiều người đang băn khoăn lúc này là sử dụng phụ tùng ô tô giả, kém chất lượng thì những chủ xe phải đối mặt với những rủi ro như thế nào?
Hành vi sản xuất kinh doanh, mua bán phụ tùng ô tô giả không chỉ vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, uy tín của nhà sản xuất chính hãng. Điều nguy hiểm hơn, những phụ tùng ô tô giả chẳng có cơ quan nào kiểm định về mặt chất lượng. Nếu người tiêu dùng mua phải phụ tùng giả thì sẽ phải tự chịu những rủi ro.
Theo Thông tư mới nhất của Bộ Giao thông vận tải ban hành, phụ tùng, linh kiện ô tô phải đáp ứng 5 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nghĩa là phải được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành kiểm định, cấp chứng nhận hợp quy mới có thể lưu thông ra thị trường để đưa vào phương tiện sử dụng. Thế nhưng, với hàng ngàn sản phẩm phụ tùng ô tô giả, các đối tượng chẳng cần quan tâm đến bất cứ một giấy tờ nào. Trong khi, những phụ kiện làm giả bị thu giữ chủ yếu nằm ở nhóm các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến độ an toàn phương tiện cũng như độ bền của động cơ như: bàn ép, lá côn, lọc dầu, lọc nhớt, lọc gió.
Dù biết rõ các phụ tùng ô tô giả có chất lượng kém, gây thiệt hại về kinh tế cho các chủ xe nhưng các đối tượng vẫn nhập về để bán. Theo khai nhận của đối tượng kinh doanh phụ tùng ô tô giả, lý do là bởi hàng giả thường tiêu thụ chạy hơn hàng chính hãng, vì có nhiều thợ sửa xe, gara ô tô đặt hàng về bán cho khách.
Theo cơ quan điều tra, hiện nay trên thị trường, phụ tùng giả, nhái thường được người bán hoặc các chủ gara chào bán với cái mác là hàng phụ tùng OEM, nghĩa là hàng gia công của các thương hiệu, nhưng thực chất không phải như vậy. Người bán chào hàng như thế nhằm mục đích để nâng giá bán của sản phẩm gần như tương đương với hàng chính hãng khiến chủ xe bỏ tiền thật nhưng lại nhận về hàng giả mà cũng chẳng hề hay biết.
Có nhiều cách phân biệt phụ tùng giả dựa vào bao bì, logo, nhãn mác hoặc mã số mã vạch, ký tự trên phụ tùng nhưng với công nghệ làm giả tinh vi như hiện nay, để không trở thành nạn nhân, đôi khi chủ xe chỉ trông chờ vào lương tâm của các chủ gara và các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này.
Theo autopro