Lốp mòn không đều, vô-lăng không thẳng hoặc xe có hiện tượng nhao lái về một phía là do độ chụm hoặc góc đặt bánh xe sai lệch.
Anh Hoài Nam (38 tuổi, TP HCM) lái chiếc Nissan Teana 2010, phát hiện các lốp xe phía trước mòn không đều, xe có hiện tượng nhao về trái khi di chuyển nên phải thường xuyên dùng lực giữ vô-lăng để xe đi thẳng.
Chiếc Nissan Teana đời 2010 thực hiện cân chỉnh thước lái bằng máy hỗ trợ chuyên dụng.
Nam mang xe đi kiểm tra. Tại cửa hàng, anh thay lốp, cân chỉnh thước lái và phát hiện các thông số góc Caster, Camber và độ chụm bánh xe đều sai lệch ít, nhiều so với quy chuẩn ban đầu. Những sai lệch này ảnh hưởng trực tiếp tới vô-lăng, khiến xe bị nhao sang trái.
Có nhiều nguyên nhân khiến các góc đặt bánh lái, độ chụm của ôtô biến đổi. Trong đó có cách điều khiển của tài xế như thường xuyên leo lề, đỗ nghiêng trong thời gian dài, chạy qua ổ gà, chướng ngại vật tốc độ cao.
Cân chỉnh thước lái và độ chụm là thuật ngữ trong bảo dưỡng ôtô. Kỹ thuật viên điều chỉnh góc Caster, Camber và độ chụm bánh xe để ổn định hệ thống lái, giúp việc lái xe an toàn hơn.
Góc Camber
Camber được xác định bằng góc nghiêng của bánh xe với phương thẳng đứng nhìn từ phía trước hoặc sau bánh xe.
Mô phỏng góc Camber của bánh xe. Ảnh: autoserviceprofessional.
Bánh nghiêng ra ngoài tương ứng với góc Camber ở giá trị dương (+) và ngược lại, nghiêng vào trong là giá trị âm (-). Khi bánh xe vuông góc với mặt đường, Camber bằng 0.
Sai biệt lớn giữa hai góc Camber trái, phải có thể sinh ra lực đánh lái ngoài ý muốn, hay còn gọi là hiện tượng nhao lái. Bánh trái có góc Camber dương, xe có xu hướng nhao về trái. Nếu cộng thêm bánh phải Camber âm, lực đánh lái về trái thậm chí còn mạnh hơn.
Nếu cả hai bánh đều có góc Camber lệch 0, xe có xu hướng nhao về phía Camber dương nhiều hơn. Giả sử Camber hai bánh đều lệch âm, bánh trái có Camber - 0 độ 15, bánh phải - 0 độ 10, xe có xu hướng nhao về phía bánh phải. Trường hợp Camber cùng lệch dương, bánh trái có giá trị 0 độ 15, bánh phải 0 độ 10, xe có xu hướng nhao về bánh trái.
Bánh có Camber lệch dương quá nhiều khiến mặt lốp phía ngoài ăn mòn nhiều hơn. Bánh có Camber lệch âm quá nhiều khiến mặt lốp phía trong ăn mòn nhiều hơn.
Góc Caster
Caster được xác định bởi góc nghiêng về phía trước hoặc phía sau của trục quay bánh xe so với phương thẳng đứng, nhìn từ cạnh xe.
Mô phỏng góc Caster của bánh xe. Ảnh: autoserviceprofessional.
Trục quay bánh xe nghiêng về trước tương ứng với góc Caster âm, nghiêng về sau là góc Caster dương. Góc Caster bằng 0 khi trục quay vuông góc với mặt đường.
Góc Caster không ảnh hưởng đến độ mòn của lốp như Camber nhưng cũng gây hiện tượng nhao lái nếu có sự sai lệch giữa các bánh xe. Ví dụ, bánh trái có góc Caster âm, bánh phải có Caster dương, xe có xu hướng nhao về trái khi di chuyển. Nếu góc Caster hai bên trái và phải không bằng nhau, xe có xu hướng nhao về bên ít dương hơn.
Độ chụm bánh xe (Toe)
Độ chụm được xác định bằng hiệu khoảng cách giữa má lốp phía sau và phía trước của bánh xe.
Mô phỏng độ chụm bánh xe. Ảnh: discounttire.
Nếu hiệu số dương, xe có độ chụm bánh dương (toe in) và ngược lại tương ứng độ chụm bánh âm (toe out). Biểu hiện của độ chụm bánh xe sai lệch so với thiết kế ban đầu là tay lái lệch khi xe đi thẳng. Lốp mòn không đều. Độ chụm dương khiến mặt lốp phía trong bị ăn mòn nhiều hơn. Độ chụm âm xảy ra điều ngược lại.
Căn chỉnh thước lái ôtô
Anh Nguyễn Đức, kỹ thuật viên Bridgestone Vạn Lợi cho biết, trường hợp của anh Hoài Nam thường gặp phải với nhiều tài xế khác.
Thông thường ôtô sau 10.000 km, tài xế cần đưa xe đi bảo dưỡng, trong đó có hệ thống lái. Tài xế khi phát hiện lốp mòn không đều, xe có hiện tượng nhao lái, vô-lăng không thẳng cần đưa xe đến garage để kiểm tra.
Cặp lốp mòn một phía do góc đặt bánh lái sai lệch so với thiết kế ban đầu.
Các góc đặt bánh lái thường không xảy ra sai lệch lớn tức thì khiến tài xế thường chủ quan. Tuy nhiên, với những tài xế đường dài, xe bị nhao lái có thể khiến việc lái xe mệt mỏi hơn khi cần dùng nhiều lực để giữ vô-lăng.
Trong điều kiện lái xe ban đêm, hoặc trên đường cao tốc, hệ thống lái hoạt động không ổn định có thể gây mất an toàn, thậm chí gây tai nạn.
Việc cân chỉnh thước lái hiện nay thực hiện bằng hai cách thủ công hoặc có sự hỗ trợ của máy chuyên dụng. Chi phí thực hiện cho mỗi lần cân chỉnh thước lái bằng máy hiện nay khoảng 300.000-800.000 đồng tùy vào tình trạng và độ phức tạp của hệ thống lái xe thường, xe sang. Thời gian thực hiện khá ngắn, khoảng nửa giờ.
Việc cân chỉnh thước lái, điều chỉnh các góc đặt bánh xe, độ chụm bằng mắt thường khó mang đến hiệu quả chính xác. Hiện nhiều cửa hàng lốp xe hoặc xưởng dịch vụ chính hãng trang bị máy chuyên dụng hỗ trợ cho kỹ thuật viên.
Các thông số hiển thị màu xanh tương ứng mức khuyến cáo cho phép. Màu đỏ biểu thị giá trị sai lệch không đúng thiết kế ban đầu.
Các thông tin về góc Caster, Camber và độ chụm bánh lái hiển thị trên màn hình thông qua cảm biến laser đặt ở các bánh xe. Đời xe cần cân chỉnh được nhập vào máy để hiển thị các thông số kỹ thuật từ nhà sản xuất. Kỹ thuật viên điều chỉnh các thông số góc Camber, Caster và độ chụm theo chỉ dẫn hiển thị trên màn hình.
Đỗ xe nghiêng trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến hệ thống lái của ôtô.
Theo VnExpress