Lốp xe là bộ phận rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự an toàn cho xe cũng như người cầm lái. Nhưng về điều này, tài xế Việt thường hay bỏ qua.
Khác với lốp xe máy, lốp ôtô chịu tải trọng lớn và vòng quay bánh xe ở tốc độ cao. Áp suất, nhiệt độ khi lốp xe tiếp xúc với mặt đường tăng dần khi vận tốc xe tăng lên. Bên cạnh nhiều yếu tố khác như điều kiện mặt đường, chất lượng lốp xe… Một lốp xe không đảm bảo quy chuẩn chất lượng hoặc độ mòn quá mức cho phép có thể là nguyên nhân dẫn đến tai nạn.
Theo anh Bạch Ngọc Phong, kỹ thuật viên thuộc hệ thống Goodyear Autocare và anh Võ Tấn Bình, kỹ thuật viên nhiều năm kinh nghiệm của đại lý phân phối chính hãng lốp Yokohama tại Việt Nam, người sử dụng ôtô cần lưu ý những vấn đề về lốp xe dưới đây:
Thời điểm thay lốp
Khi xe di chuyển với quãng đường từ 45.000 km trở lên, tài xế nên tiến hành thay lốp mới. Hoặc sau 5 hoặc 6 năm kể từ mốc thời gian sản xuất được ghi trên lốp xe.
Thay và bảo dưỡng lốp là những kiến thức không nên bỏ qua đối với tài xế Việt.
Những trường hợp khác như hoa lốp rách do các vật nhọn, bề mặt lốp bị nứt do yếu tố nhiệt độ hoặc bị tác động lực quá lớn nên cân nhắc thay lốp mới tùy mức độ. Độ mòn của lốp lớn, nhỏ hoặc nhanh, chậm tùy thuộc vào tần suất sử dụng và điều kiện mặt đường, thời tiết… khi xe lăn bánh. Trên lốp xe thường có các chỉ dấu để giúp tài xế nhận biết được độ mòn. Nếu độ sâu của hoa lốp khoảng 1,6 mm trở xuống thì cần thay lốp mới cho xe.
Bất kể độ mòn của lốp, hoa lốp còn mới, có hoặc không xuất hiện những dấu hiệu giảm chất lượng, ôtô ít sử dụng… việc thay lốp mới cần được tiến hành khi vượt mốc số km đi được và thời gian sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Đảo lốp
Độ mòn không đều của lốp trên các bánh xe liên quan đến chế độ dẫn động. Sau khoảng 8.000 km, việc đảo lốp nên được thực hiện. Phương pháp đảo lốp được thực hiện như sau:
Đối với xe dẫn động cầu trước, hai bánh trước đưa xuống phía sau, hai bánh sau đổi chéo lên phía trước. Đối với xe dẫn động cầu sau, hai bánh sau đưa lên phía trước, hai bánh trước đổi chéo ra phía sau. Nếu xe dẫn động hai cầu, việc đảo lốp thực hiện bằng cách đổi chéo các bánh.
Nếu thay mới một bánh ở phía trước, nên chọn bánh sau có độ mòn tương đương bánh trước không cần thay để thế chỗ vị trí bánh cần thay. Đồng thời chuyển bánh mới về phía sau. Nếu thay hai bánh mới, không kể vị trí, nên lắp đặt ưu tiên cho phía trước. Mục đích của việc làm này là giảm thiểu độ lệch của tay lái và “gia cố” sự an toàn cho xe. Bởi mức độ nguy hiểm khi xảy ra sự cố ở bánh trước thường cao hơn so với bánh sau.
Một vấn đề liên quan khác, nếu lốp xe mòn không đều ở mặt trong và mặt ngoài, cần tiến hành đảo ngược mặt lốp.
Thay đổi kích thước lốp
Mỗi lốp xe đi kèm một thông số kỹ thuật nhất định. Lốp xe có kích thước 205/55R16 thì chiều rộng là 205 mm, bề dày của lốp là 112,75 mm và kích thước mâm (la-zăng) tương ứng 16 inch (406,4 mm). Trong trường hợp này, chiều cao hay đường kính của bánh xe là 631,9 mm.
Người sử dụng ôtô nên kiểm tra thông số kỹ thuật trên lốp xe để thay đổi kích cỡ lốp trong phạm vi cho phép của nhà sản xuất.
Thay đổi kích thước lốp làm thay đổi độ rộng, bề dày của lốp và mâm xe đi kèm. Nếu bề dày của lốp và mâm xe cùng thay đổi nhưng không ảnh hưởng đến chiều cao chuẩn ban đầu, thì không ảnh hưởng đến thông số kỹ thuật của xe. Khác biệt về kích thước giữa bánh xe cũ và bánh xe mới, các hãng xe khuyến cáo không quá 3%.
Lốp xe liên quan đến tốc độ vòng quay và hành trình piston của xe. Vì vậy, nếu thay đổi kích thước lốp xe vượt quá sai số cho phép 3% như thiết kế ban đầu, quãng đường đi được và vận tốc trên đồng hồ công tơ mét hiển thị không chính xác so với thực tế. Nghiêm trọng hơn, xuất hiện những hư hỏng không đáng có ở động cơ nếu sử dụng trong thời gian dài.
Chọn lốp
Tùy theo nhu cầu sử dụng và điều kiện lăn bánh, người sử dụng ôtô có những lựa chọn khác nhau về lốp xe. Dòng sedan hoặc xe gia đình MPV hướng đến sự êm mái khi vận hành nên bánh xe thường sử dụng loại lốp có tính đàn hồi cao, mâm xe có đường kính vừa phải.
Dòng SUV hoặc crossover đề cao khả năng off-road nên dùng lốp bền, cứng và bám đường tốt. Mâm xe và bề dày của lốp thường lớn hơn những dòng xe khác.
Dòng xe thể thao với trọng tâm hạ thấp, vận hành ở tốc độ cao thường dùng loại lốp có chiều rộng bánh nhỏ, mâm kích thước lớn để tăng khả năng bám đường và giảm độ rung lắc.
Thông số kỹ thuật trên lốp xe cũng cho biết loại lốp phù hợp với dải tốc độ nào. Người sử dụng xe cần cân nhắc nhu cầu sử dụng xe hàng ngày để lựa chọn loại lốp cho phù hợp.
Kiểm tra áp suất
Ký hiệu max kPa hoặc PSI được ghi trên lốp xe là thông số áp suất lớn nhất lốp xe có thể chịu đựng. Lốp xe nếu áp suất thấp hoặc cao hơn so với tiêu chuẩn đều không tốt. Lốp quá căng làm giảm độ bám đường, tăng độ xóc cho xe và đặc biệt nguy hiểm khi di chuyển trên đường cao tốc khi tình trạng nổ lốp có thể xảy ra. Trong khi đó, lốp quá mềm làm tăng độ ma sát, tăng mức tiêu hao nhiên liệu và khó điều khiển khi xe chịu tải trọng lớn.
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất lốp xe Nhật Bản (JATMA), áp suất bên trong lốp mặc nhiên giảm từ 10 đến 20 kPa mỗi tháng (1kPa=0,01 kg/cm2). Vì thế việc kiểm tra áp suất lốp cần được thực hiện thường xuyên. Cũng như trang bị thêm dụng cụ chuyên dụng đo áp suất nếu chủ xe tự bơm hơi cho lốp ôtô tại nhà.
Không nên để xe một chỗ
Một vị trí của lốp chịu lực tác động từ trọng lượng xe trong thời gian dài là không tốt. Điều này gây ra sự hao mòn không đều cho lốp xe. Chất liệu cao su tại vị trí đó bị xơ cứng, giảm chất lượng so với thiết kế ban đầu, trực tiếp gây hư hại cho lốp xe khi sử dụng trở lại. Vì thế, nếu nhu cầu sử dụng xe ít, không nên để yên xe quá lâu. Cần di chuyển xe một quãng đường nhất định để bảo quản lốp xe tốt hơn.
Giá lốp
Nhiều thương hiệu lốp xe lớn trên thế giới như Michelin (Pháp), Continental (Đức), Goodyear (Mỹ), Yokohama (Nhật), Kumho (Hàn Quốc)… đều có sản phẩm phân phối chính hãng tại thị trường Việt Nam.
Theo anh Nguyễn Đức Lộc, một doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh lốp xe tại Sài Gòn, chất lượng của các hãng lốp hiện nay đã thu hẹp gần hơn so với trước. Trong vài năm trở lại đây, các đại lý phân phối lốp xe chính hãng xuất hiện ngày càng nhiều. “Mức giá chênh lệch cho một bộ lốp cùng kích thước, cùng hãng là do cách kinh doanh của mỗi cửa hàng. Ngoài ra, khác biệt về giá cũng do yếu tố thương hiệu lốp xe” – anh Lộc cho biết thêm.
Tại TP HCM, các cửa hàng phân phối lốp xe thường không chuyên một hãng nào. Mục đích nhằm đáp ứng một cách “cơ động” cho khách hàng khi có yêu cầu. Mức giá ghi nhận chênh lệch khoảng 100 đến 200 nghìn đồng cho một bộ lốp cùng hãng, cùng loại, cùng kích cỡ.
Ví dụ, tại một cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, một lốp xe có thông số kỹ thuật P205/65R15 thường dùng cho Toyota Innova, Toyota Vios, Kia K3… có giá bán 1,95 triệu đồng (Michelin), 1,85 triệu đồng (Bridgestone), 1,25 triệu đồng (Kumho).
Một cửa hàng khác trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, mức giá cho loại lốp như trên là 1,8 triệu đồng (Michelin), 1,7 triệu đồng (Bridgestone) và 1,3 triệu đồng (Kumho).
Riêng dòng sedan, mức giá cho lốp xe có thể tạm chia thành ba nhóm. Trong đó dòng lốp thông dụng có giá khoảng 900.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi chiếc. Dòng lốp tầm trung dao động từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Còn lại là dòng lốp cao cấp thường sử dụng cho các mẫu xe sang, giá từ 3,5 đến 10 triệu đồng mỗi chiếc.
Theo Autodaily