Người béo phì gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều khiển ô tô, thậm chí còn gặp phải những nguy hiểm khi tham gia giao thông. Vậy làm thế nào để những người thừa cân, béo phì giảm thiểu những rủi ro khi lái xe ô tô?
Người bị bệnh béo phì gặp rất nhiều khó khăn và thậm chí là cả nguy hiểm khi lái xe ô tô.
Béo phì đang là một vấn đề thách thức sức khỏe cộng đồng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thừa cân, béo phì không những đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ dễ mắc các bệnh như huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch mà còn gây ra những trở ngại trong đời sống, sinh hoạt, đặc biệt là lái xe ô tô.
Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu những hiểm họa mà người lái xe ô tô có thể gặp phải khi mắc bệnh béo phì và cách để giảm thiểu những rủi ro đó.
Béo phì ảnh hưởng đến việc lái xe như thế nào?
Béo phì có thể gây ra các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến việc lái xe
Những lái xe bị thừa cân, béo phì sẽ dễ mắc phải các vấn đề sức khỏe, trong đó có OSA (Obstructive sleep apnea) hay hiện tượng ngưng thở khi ngủ. Đây là sự rối loạn trong giấc ngủ, trong đó có hiện tượng ngưng thở hơn 10 giây hay giảm thông khí lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm kèm triệu chứng ngủ ngáy và ngủ ngày quá mức.
Lái xe buồn ngủ hay ngủ gật khó có thể tập trung và có những phản xạ kịp thời trong những tình huống khẩn cấp và rất dễ gây tai nạn.
Những người bị béo phì gặp khó khăn trong việc cài dây an toàn đúng cách
Dây an toàn là một trong những tính năng an toàn cơ bản của xe ô tô, có chức năng cố định người dùng vào ghế, tránh va đập trong những va chạm. Người bị béo phì gặp rất nhiều khó khăn trong việc cài dây an toàn đúng cách.
Thay vào đó, họ có thể sẽ cài một cách chống đối hoặc không cài. Điều này làm tăng nguy cơ chấn thương khi gặp tai nạn.
Người bị béo phì dễ gặp chấn thương nặng hơn người khác khi gặp tai nạn
Túi khí đầu gối dùng để ngăn chặn các chấn thương cho phần đầu gối của người dùng khi tai nạn xảy ra. Với những người béo phì, đặc biệt là khi không cài dây an toàn đúng cách, lực sẽ dồn lên túi khí đầu gối.
Điều này sẽ dẫn đến chấn thương cho những bộ phận khác của chân bạn ví dụ như bàn chân hay đầu gối. Những chấn thương này có thể không gây nguy hiểm cho tính mạng, nhưng có thể sẽ gây ra đau đớn hoặc tổn thất nặng nề về mặt tài chính.
Những người mắc bệnh béo phì dễ gặp những chấn thương nặng hơn những người bình thường.
Hơn nữa, hành khách ngồi hàng ghế phía sau bị béo phì ngoài việc gây nguy hiểm cho chính bản thân mình, cũng có thể gây nguy hiểm cho người lái và hành khách ngồi ghế trước. Vì không thể cài dây an toàn đúng cách, khi gặp tai nạn, họ rất dễ bị nhào lên phía trước, gây nguy hiểm cho những người ngồi ghế đầu.
Làm thế nào để người bị thừa cân, béo phì giảm thiểu rủi ro khi sử dụng xe ô tô?
Lái ô tô vẫn luôn là một thách thức với những người mắc bệnh béo phì. Mặc dù không đảm bảo rằng những người bị béo phì có thể lái xe an toàn như những người bình thường, các cách sau đây sẽ giúp họ giảm thiểu rủi ro khi lái xe ô tô:
- Luôn luôn cài dây an toàn, đảm bảo rằng tất cả các hành khách cũng cài dây an toàn đúng cách. Hãy hỏi nhà sản xuất xem họ có cung cấp bộ mở rộng dây an toàn không. Nếu không thì trên thị trường cũng có rất nhiều mẫu mở rộng dây an toàn. Hãy chọn một bộ tương thích với mẫu xe ô tô của bạn.
- Tìm và chọn những chiếc xe có kích thước lớn. Những chiếc xe này sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn khi điều khiển xe.
- Chọn những xe đạt chứng chỉ an toàn cao, những xe hiện đại có hệ thống cảnh báo. Những chiếc xe như vậy sẽ giúp đảm bảo an toàn hơn cho bạn cũng như những hành khách khác trên xe.
Các hãng ô tô đã làm những gì để giúp giảm thiểu rủi ro cho người mắc bệnh béo phì?
Tuy nhiên, những người mắc bệnh béo phì cũng không cần quá lo lắng trong việc lái xe. Các hãng xe rất chú trọng phát triển những mẫu xe dành riêng cho những người này.
BMW là một trong những hãng xe đi đầu trong việc thiết kế xe hơi dành cho người thừa cân, béo phì. Hãng đã trang bị các thiết bị như kiểm soát việc đỗ xe từ xa, ứng dụng có thể chiếu trên màn hình những chướng ngại vật ở chỗ bạn quay xe. Tính năng này sẽ rất hữu dụng cho những người mắc bệnh béo phì, thường gặp khó khăn trong việc quay đầu 140 độ.
Trong khi đó, để khắc phục tình trạng các nút bấm trên xe quá nhỏ so với người béo phì, Honda đã sản xuất những nút bấm đặc biệt, có tên là “ngón tay xúc xích”.
Mặc dù vậy, thay vì phụ thuộc vào các nhà sản xuất xe ô tô tạo ra các sản phẩm phù hợp, những người thừa cân béo phì nên điều chỉnh chế độ sinh hoạt, khẩu phần ăn để cải thiện chất lượng cuộc sống, có sức khỏe tốt hơn. Đây mới là biện pháp về lâu về dài để chữa trị bệnh béo phì.
Theo oto