Không chỉ lái mới, các tài già nếu không chú ý cũng rất dễ mắc phải những lỗi cơ bản khi dừng, đỗ xe.
Chuyển hướng đột ngột
Việc chuyển hướng đột ngột dễ xảy ra tai nạn, trong thực tế các xe sau rất dễ đâm vào đuôi xe phía trước do người điều khiển không kịp phản ứng.
Vì vậy, trước khi tấp xe vào lề để đỗ, dừng xe, người điều khiển phương tiện cần quan sát tình trạng giao thông trong thời điểm muốn rẽ. Định vị trước được vị trí cần đỗ trước khi bật đèn xi-nhan. Sau đó, từ từ khép vào lề nhưng vẫn chú ý quan sát phía sau, đảm bảo khoảng cách an toàn cho phương tiện phía sau xử lý.
Những tài mới cần chú ý không tranh vượt mà ép lề xe khác vì có xác suất gây tai nạn cao và nên nhớ quan sát không rẽ dừng, đỗ vào những nơi có biển cấm dừng ô tô.
Quên sử dụng phanh tay khi đỗ
Lỗi quên không kéo phanh tay cũng là một lỗi điển hình ở tài mới, tài già mắc lỗi này do chủ quan. Các tài xế thường chủ quan cho rằng chỉ cần chuyển số về P thì xe sẽ đứng yên.
Tuy nhiên, dù cần số đã chuyển sang P, xe không thể di chuyển do hộp số giữ lại, nhưng có nhiều trường hợp xe đỗ tại những điểm có độ dốc lớn, xe chịu tải nặng hoặc số P mất tác dụng, xe bị va chạm ở phía sau, lúc này xe không kéo phanh tay sẽ bị trôi và rất dễ xảy ra tai nạn.
Ngoài ra, các tài xế nên học thói quen kéo phanh tay đúng cách. Theo kinh nghiệm lái xe của chuyên gia, khi lái xe số tự động tài xế nên thực hiện theo quy trình sau: đạp phanh chân - kéo phanh tay - về P - tắt máy.
Một số tài xế cẩn thận hơn sẽ thêm bước trung gian N, cụ thể trình tự là đạp phanh chân - về N - kéo phanh tay - về P - tắt máy. Cách làm này giúp chắc chắn xe không bị chồm lên khi bạn lỡ nhấc phanh chân mà vẫn ở số D. Chính vì vậy, tài xế nên tập thói quen kéo phanh tay khi dừng đỗ xe.
Thiếu quan sát khi mở cửa xe
Rất nhiều vụ tai nạn liên quan đến việc mở cửa xe thiếu quan sát. Do đó, trước khi mở cửa tài xế cần quan sát phía trước và sau không có ai hay bất cứ phương tiện nào đang lưu thông gần xe của mình.
Tài xế cần quan sát kỹ trước khi mở xe, phòng trường hợp có phương tiện bất ngờ lao lên, không chỉ với người điều khiển mà ngay cả những người ngồi trong xe khi mở cửa cũng cần phải lưu ý vấn đề này.
Kỹ thuật mở cửa xe Dutch Reach.
Theo kinh nghiệm lái xe, một kỹ thuật mở cửa xe an toàn tài xế cần biết là kỹ thuật Dutch Reach, được mô tả như sau: Người ngồi trong xe, bất kể là người điều khiển hay người ở ghế phía sau, khi có ý định mở cửa xe, thay vì mở bằng tay gần cửa xe (tay trái), hãy dùng cánh tay bên kia (tay phải) để mở cửa.
Nghe có vẻ khó hiểu nhưng kỹ thuật này rất đơn giản và phù hợp, việc mở cửa bằng tay phải sẽ giúp người mở có thể quan sát tốt hơn phía sau mình. Ngoài ra, khi người mở dùng cánh tay xa cửa, do tầm với không được rộng nên cửa chỉ mở hé.
Nếu có tình huống bất ngờ thì mức độ rủi ro sẽ thấp và người mở cũng có thể xoay chuyển tình thế bằng cách khép cửa nhanh. Một điểm đáng lưu ý nữa là gương chiếu hậu rất cần thiết trong trường hợp này.
Quay đầu xe vào trong
Không ít tài xế có thói quen quay đầu xe vào trong khi đỗ với suy nghĩ là đơn giản và thuận tiện hơn. Tuy nhiên, hành động này không được nhiều người tán thành bởi 2 lý do chính sau:
Đầu tiên, việc quay đầu xe vào trong sẽ mất khá nhiều thời gian để quay đầu và lùi xe ra ngoài. Giả định trong tình huống khẩn cấp, việc quay đầu xe vào trong sẽ mất nhiều thời gian để lấy xe ra hơn. Ở một số nước, sở cảnh sát còn đưa ra quy định khi đỗ xe cảnh sát phải hướng đầu xe ra ngoài để có thể xuất phát nhanh nhất.
Thứ hai, quay đầu xe vào trong nguy hiểm và dễ mất trộm hơn. Khi đỗ xe ở trong bãi gửi xe ở hầm, trung tâm thương mại, khoảng trống giữa 2 xe là rất nhỏ nên khi bạn lấy xe ra, xe đang lùi có thể bị đụng phải xe khác đang chạy qua do có điểm mù.
Hoặc nếu lùi xe không quan sát kỹ có thể xảy ra va chạm với người đi ngang qua bãi dừng xe. Vì vậy, cách đúng là phải hướng đầu xe ra ngoài đi đỗ.
Trái lại, việc đỗ xe hướng đầu ra ngoài giúp chúng ta dễ quan sát xe được từ xa. Trong một số trường hợp hi hữu, nếu để quên trẻ em, người lớn cũng dễ dàng phát hiện được.
Đỗ xe dưới trời nắng gắt
Vào mùa hè ở nước ta, nền nhiệt có thể lên tới 40 độ C. Nhiệt độ cao có thể gây hại rất lớn đến nội, ngoại thất và khả năng vận hành nếu không được bảo vệ đúng cách.
Về phần ngoại thất, ánh nắng gay gắt sẽ làm lớp sơn nhanh chóng phai màu, làm chiếc xe mau cũ và mất giá trị bán lại. Nội thất bên trong xe cũng chịu hư tổn nghiêm trọng, đặc biệt là phần bảng táp-lô và phần nhựa bên trong.
Vì vậy, nếu bắt buộc phải đỗ xe dưới trời nắng gắt, tài xế phải có phải dán phim cách nhiệt và dùng bạt phủ. Không nên đặt các vật liệu như chai nước, lon nước ngọt có ga, thiết bị điện tử, bật lửa, hay thực phẩm... khi đỗ xe dưới trời nắng. Việc đặt chai nước tưởng chừng như vô hại, thế nhưng hiện tượng khúc xạ ánh nắng qua chai nước có thể dẫn đến các vật liệu như da ghế dễ bắt lửa dẫn đến cháy nổ.
Theo oto