Khoang động cơ ô tô cần được vệ sinh từ 2 - 3 lần/năm. Đây là việc làm cần thiết để loại bỏ bùn đất, bụi bẩn bám vào bề mặt khoang máy giúp khoang máy tản nhiệt tốt hơn.
Vệ sinh khoang máy ô tô thường được tiến hành 6 tháng/lần nhằm đảm bảo động cơ tản nhiệt tốt hơn, hoạt động bền hơn và tăng tuổi thọ. Nếu khoang máy nhiều bụi bẩn sẽ làm giảm quá trình tản nhiệt và khiến máy nóng rất nhanh.
Những người có nhiều kinh nghiệm sử dụng ô tô cho biết, trong quá trình vệ sinh khoang động cơ, bạn sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường ở ống dẫn, gioăng cao su,… giúp xe vận hành ổn định hơn.
Những lưu ý khi tự rửa khoang máy ô tô tại nhà.
Khoang máy không sạch sẽ dễ thu hút côn trùng, chuột vào làm tổ. Những sinh vật này sau khi xâm nhập vào khoang máy thường cắn phá các loại dây dẫn nhiên liệu, gioăng cao su, làm hỏng hóc bộ máy vận hành.
Để vệ sinh khoang máy, bạn không nhất thiết phải đưa xe hơi tới garage. Chỉ cần tìm hiểu một số kỹ thuật vệ sinh và tránh phun nước, làm ướt các bộ phận liên quan đến điện, đồng thời lựa chọn dung dịch vệ sinh phù hợp là có thể tự tiến hành tại nhà. Dưới đây là những thao tác cơ bản giúp bạn tự làm sạch khoang động cơ:
1. Để động cơ nguội, loại bỏ rác
Phải chờ động cơ nguội hẳn mới bắt tay làm sạch và loại bỏ rác khỏi khoang động cơ. Nếu nhận thấy động cơ còn nóng, ấm, bạn mở nắp ca-pô và chờ khoảng 30 phút để tản bớt nhiệt.
Bước tiếp theo: Dùng tay loại bỏ lá cây, bụi bẩn kẹt ở phần tiếp giáp kính chắn gió, lỗ thông hơi hoặc hốc hút gió khoang động cơ. Nếu có điều kiện, bạn có thể sử dụng máy nén khí để thổi bay rác mắc kẹt bên trong. Không dùng vòi xịt nước để loại bỏ bụi và rác bởi nước bắn vào các khe, lỗ trong khoang máy, dễ làm hỏng các bộ phận này.
2. Không để nước xâm nhập bộ phận điện
Sử dụng túi ni-lông, màng nhôm hoặc màng bọc che những bộ phận điện (bình ắc-quy, cầu chì, cổ hút gió,.. ). Bọc cẩn thận những vị trí này sẽ đảm bảo an toàn trong lúc bạn xịt nước trực tiếp vào khoang máy.
3. Trang bị kỹ năng xịt rửa khoang động cơ
Dùng vòi xịt phun thành chùm tiết diện rộng, nhẹ nhàng xịt vào khoang động cơ. Sau công đoạn làm ướt, bạn dùng bàn chải mềm, chổi sơn cọ từng chi tiết, ngóc ngách. Đối với những khoang động cơ lâu không vệ sinh, bạn dung dịch vệ sinh chuyên dụng để việc loại bỏ bụi bẩn, cặn bám dễ dàng hơn.
Xịt nước thêm một lần nữa. Sau đó quan sát và cẩn thận làm sạch vị trí bị bỏ sót khi vệ sinh khoang máy. Lưu ý sử dụng găng tay khi dùng dung dịch làm sạch động cơ bởi chúng có chứa một số hoá chất, có thể làm kích ứng da.
4. Làm khô động cơ
Sau khi làm sạch bụi bẩn, dầu mỡ bên trong. Bạn dùng quạt, máy nén khí hoặc khăn bông làm khô các chi tiết bên trong khoang máy. Sau khi các chi tiết được lau khô, bạn cẩn thận tháo túi ni-lông, màng nhựa bọc bộ phận điện lúc đầu và dùng khăn lau kỹ các chi tiết này.
Bước tiếp theo, khởi động xe và nổ máy trong 2-3 phút để chắc chắn rằng cầu chì, IC hoạt động bình thường. Động cơ nóng lên sẽ làm khô các chi tiết bên trong.
Trước khi kết thúc công việc tự rửa khoang máy ô tô tại nhà, bạn dành thêm chút thời gian kiểm tra lại lần nữa, đảm bảo các vị trí bọc ni-lông, màng nhựa,... đã được tháo bỏ. Nên thực hiện định kỳ công việc này 3-6 tháng/lần.
Theo oto