Khi nói đến việc sử dụng ô tô, người Nhật có quan điểm rất riêng biệt. Không phải tự nhiên là doanh số xe sang tại Nhật chỉ chiếm một phần nhỏ nhoi, trong khi GDP bình quân đầu người của quốc gia này là 40.113 USD/người vào năm 2020, “thừa sức” để mua một chiếc xe sang.
Doanh số xe hơi toàn thị trường Nhật Bản trong 2020 đạt 4.598.615 chiếc, trong đó top 10 hãng bán nhiều xe nhất quốc gia này đều là các thương hiệu nội địa, thuộc phân khúc phổ thông. Những thương hiệu được ưa thích nhất vẫn là Toyota với 1.454.524 chiếc, Suzuki đạt 630.842 chiếc và Honda đạt 619.132 chiếc.
Trong khi đó, ở phân khúc xe hạng sang, những thương hiệu đình đám quốc tế lại ghi nhận mức doanh số "khiêm tốn" tại Nhật Bản. Chẳng hạn, Mercedes chỉ đạt 57.041 chiếc, Lexus đạt 49.059 chiếc, BMW bán ra 35.712 chiếc, Audi và Volvo lần lượt là 22.304 và 16.016 chiếc.
Trên đường phố Nhật Bản, hầu hết mọi người sẽ thấy những ô tô có biển số màu vàng, điều đó có nghĩa là phân khối dưới 660cc, các xe loại nhỏ ở Nhật Bản. Người dân thường mua ô tô bình dân để lái. Vậy những người giàu nhất Nhật Bản hiện nay, những doanh nhân được tạp chí Forbes đánh giá là người giàu nhất đất nước mặt trời mọc, họ lái loại ô tô nào hàng ngày?
Son Masayoshi, người sáng lập và chủ tịch của Tập đoàn Softbank của Nhật Bản, là một trong những tỷ phú hàng đầu của đất nước mặt trời mọc. Chiếc xe của ông là một chiếc Lexus thường dùng để đi làm, cá nhân ông có một chiếc xe khác do Nissan Motor Company sản xuất. Đáng chú ý, chiếc xe này đã có lịch sử hơn 20 năm, khi mới mua có giá 3 triệu Yên (khoảng 639 triệu đồng).
Tại sao Son Masayoshi lại thích chiếc xe cũ này? Vì chiếc xe cũ này đã đồng hành cùng ông suốt chặng đường, nó đã chứng kiến lịch sử phấn đấu của ông từ khi là một người bán phần mềm cho tới khi trở thành người giàu có nhất Nhật Bản.
Một cá nhân giàu có nổi tiếng khác là Tadashi Yanai, người sáng lập và chủ tịch của UNIQLO. Với khối tài sản hàng chục tỷ USD, luôn nằm trong danh sách người giàu thế giới, Tadashi Yanai thường sử dụng chiếc xe Lexus.
Người dân Nhật Bản đã từng tò mò về việc ông Yanai có bao nhiêu chiếc xe sang trọng. Sau đó, họ bất ngờ phát hiện ra rằng ông Yanai không có xe riêng ở nhà, chiếc Lexus thậm chí còn là xe do công ty mua.
Tadashi Yanai, người sáng lập và chủ tịch của UNIQLO.
Câu chuyện về xe hơi của hai người đàn ông giàu nhất nhì Nhật Bản không phải để nói là không có thị trường ô tô hạng sang nước ngoài ở Nhật Bản. Vẫn có một nhóm người mua xe hơi sang trọng ở Nhật Bản. Hầu hết những người này là chủ các công ty công nghệ thông tin, nhà đầu tư tài chính và nhà điều hành nhà hàng khách sạn, cũng như một số nghệ sĩ giải trí…
Tuy vậy, người Nhật không mấy khi tỏ vẻ ghen tị với những chiếc ô tô như vậy. Bởi ở Nhật, xe sang không phải là biểu tượng của địa vị hay tài phú, dù không có xe cũng không bị coi thường
Thực chất, trong xã hội Nhật Bản, những người càng giàu thì càng khiêm tốn, càng không khoa trương. Giá trị quan của họ là sự khiêm tốn và giữ mình. Nếu không khiêm tốn, kiềm chế mà cố tình khoa trương, khoe khoang của cải, thì kết cục là đồng nghiệp sẽ tránh xa, sự nghiệp cũng gặp khó khăn, đồng thời khiến người khác nghi ngờ về tư cách và đạo đức cá nhân.
Do đó, họ chỉ lựa chọn những gì mình thực sự cần thiết chứ không theo đuổi những giá trị xa xỉ, hào nhoáng bề ngoài.
Chưa kể đến, nhiều người Nhật cũng không có nhu cầu sử dụng ô tô. Theo trang Realestate Japan, nếu đang sống ở một khu vực đô thị lớn như Tokyo hoặc Osaka với tư cách là một giáo viên, hoặc nhân viên văn phòng, họ có thể di chuyển thuận tiện bằng hệ thống giao thông công cộng mà không cần ô tô. Trên thực tế, để sở hữu một chiếc xe hơi không quá đắt so với thu nhập của người dân, nhưng chi phí đỗ xe trong thành phố mới là vấn đề “đau đầu” của họ.
Tuy vậy, người Nhật cũng tôn trọng nhu cầu riêng của mỗi cá nhân. Những người có nhiều nhu cầu đi lại, du lịch, hoặc đơn giản là yêu thích sự tự do, muốn lái xe đi bất cứ đâu mình thích vào bất cứ thời điểm nào mình muốn… nên có cho mình một chiếc xe hơi.
Theo autopro