Sau khi áp dụng thiết kế giao lộ hình "xương chó", tổng số vụ va chạm đã giảm 63% và số vụ va chạm dẫn đến thương tích giảm tới 84%.
Thiết kế giao lộ hình "xương chó" giúp giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông đáng kể.
Các giao lộ, bùng binh và đường nhiều làn có thể là nỗi đáng sợ khi tham gia giao thông đối với nhiều người. Từ trước đến nay, các giao lộ thường được kiểm soát bằng đèn giao thông. Tuy nhiên, thực tế là tỷ lệ thương tích do va chạm đã giảm đáng kể khi triển khai thiết kế giao lộ hình "xương chó" hay còn được gọi là hình giọt nước đôi.
Thành phố Carmel tại Indiana (Mỹ) đã trở thành “phòng thí nghiệm sống” về các loại thiết kế giao lộ với hơn 100 công trình, nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác của Mỹ. Ở đây, một số giao lộ đông đúc và tốc độ cao đã áp dụng thiết kế kiểu mới hình "xương chó".
Giao lộ "hình xương chó" được thử nghiệm đầu tiên tại Mỹ ở thành phố Carmel (Indiana).
Viện bảo hiểm an toàn xa lộ Mỹ (IIHS) đã so sánh tỷ lệ tai nạn sau khi lắp đặt thiết kế giao lộ với dữ liệu 2 năm trước khi xây dựng. Kết quả là tổng số vụ va chạm đã giảm 63% và số vụ va chạm dẫn đến thương tích giảm tới 84%.
Giao lộ hình "xương chó" được sử dụng ở những tuyến đường huyết mạch hoặc đường cao tốc giao nhau với đường phố nhỏ hơn. Lợi ích chính của thiết kế này là giảm tốc độ tổng thể nhưng vẫn cho phép lưu thông, khác với đèn đỏ là cản trở giao thông. Bên cạnh đó, vòng xuyến loại này cũng có tác dụng chia tách giao thông ở trung tâm giao lộ, giúp ngăn chặn các vụ va chạm ở góc phải và phía trước.
Nhược điểm của vòng xuyến là người lái xe ô tô phải mất thời gian để làm quen với các mô hình luồng giao thông vòng vèo. Với các vòng xuyến nhiều làn thông thường, IIHS nhận thấy có sự gia tăng các vụ va chạm nhỏ do người lái chưa quen. Mặc dù vậy, khi các tài xế quen với luồng giao thông, những vụ va chạm nhỏ này dự kiến sẽ giảm.
Theo oto