Theo BLHS 2015, từ 1-1-2018, người tham gia giao thông nói chung và người đi bộ nói riêng vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ 7-15 năm.
Điều 260 BLHS 2015 về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp: Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31- 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61-121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100-dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Không có giấy phép lái xe theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Làm chết 2 người…thì bị phạt tù từ 3- 10 năm.
Tình trạng người đi bộ sang đường tùy tiện vẫn diễn ra khá phổ biến tại Hà Nội
Nếu hành vi phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7-15 năm.
Điều luật này còn nêu rõ, người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31-60% thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10- 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-1 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Với quy định trên, Điều 260 BLHS 2015 không còn bó hẹp trong phạm vi những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, mà còn mở rộng thành “người tham gia giao thông đường bộ”. Theo đó, người đi bộ nếu đi sai luật gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tiền, phạt tù đến 15 năm. Tuy vậy, hiện trên nhiều tuyến phố tình trạng khách bộ hành đi dưới lòng đường, sang đường bừa bãi vẫn diễn ra tràn lan gây cản trở giao thông, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.
Có thể nói, việc áp dụng luật mới xử lý hình sự đối với những người đi bộ vi phạm luật giao thông gây hậu quả nghiêm trọng là cần thiết, song việc xử lý sẽ phát sinh nhiều bất cập. Nguyên nhân là do ý thức của người tham gia giao thông còn khá thấp. Bên cạnh đó, tại nhiều tuyến phố, phần vỉa hè dành cho người đi bộ bị lấn chiếm làm nơi để xe, bán hàng khiến việc tuân thủ pháp luật của người đi bộ không thể thực hiện được. Hơn nữa, để có thể xử lý “đúng người, đúng tội”, trong các vụ tai nạn, việc xác định lỗi của người đi bộ trong các trường hợp giao thông hỗn hợp là khá phức tạp – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.
Theo An Ninh Thủ Đô