Xe hybrid được coi là bước đệm cho cuộc cách mạng điện khí hóa.
Ở tuổi 78, ông Jim Beermann nhận ra lượng khí carbon thải ra từ chiếc xe hybrid của mình sẽ sớm về mức 0. Từ nay cho đến lúc đó, ông luôn có ý thức duy trì chúng ở mức thấp, với mục đích cao cả là bảo vệ môi trường. Cũng bởi lẽ đó, Beermann cảm thấy vô cùng thất vọng khi Viện dưỡng lão mình đang sống tại Juno Beach, Florida, không hề có ý định cung cấp bộ sạc xe điện cho người cao tuổi.
Thay vì xe điện, Beermann chọn mua xe hybrid: một tuần chỉ đi hơn 200km và tiêu tốn không đến 3 gallon xăng. “Hơn bất cứ điều gì, đó là dấu ấn mà tôi để lại. Tôi đánh giá cao việc mình đang sử dụng ít xăng hơn”, ông Jim Beermann nói.
Xe hybrid, vốn được coi là bước đệm cho cuộc cách mạng điện khí hóa, đang tồn tại lâu hơn dự đoán. Theo Bloomberg NEF, trong 9 tháng đầu năm nay, các tài xế trên khắp thế giới đã mua gần 2 triệu xe hybrid, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Xe điện phổ biến hơn, bán chạy hơn, với tốc độ gần như nhanh gấp ba, song khi xét về đà tăng trưởng công nghệ lại chỉ ngang bằng hybrid. Ước tính trong 3 năm, doanh số xe điện tăng gần gấp năm lần, trong khi doanh số xe hybrid tăng gấp bốn lần.
Đối với các nhà sản xuất ô tô, việc phát triển xe hybrid vừa giúp họ “đặt 1 chân” vào công cuộc điện khí hóa, lại vừa có thể đáp ứng nhu cầu của những tài xế tò mò về EV nhưng chưa hết hoài nghi.
Theo Bloomberg, bất kỳ chiếc xe nào cũng có thể được hybrid hóa mà không mất quá nhiều chi phí. Ba trong số các mẫu xe phổ biến nhất của BMW có phiên bản chạy xăng và plug-in có thể đi quãng đường gần 50km nhờ điện. Tương tự ở Hyundai, 2 trong số những mẫu xe bán chạy nhất cũng có 3 dạng nhiên liệu: xăng, plug-in hybrid hoặc plug-in hybrid cải tiến.
Toyota là thương hiệu tận dụng mạnh mẽ nhất xu hướng này khi 1/4 số xe bán ra trên toàn cầu trong năm nay đều có cả động cơ xăng và động cơ điện. Công ty cũng cho ra mắt phiên bản thứ năm của Prius sau khoảng 25 năm phiên bản đầu tiên được trình làng.
Trao đổi với báo giới, ông Simon Humphries, quản lý cấp cao tại Trung tâm Phát triển ô tô Toyota, cho rằng ô tô điện chạy bằng pin vô cùng quan trọng, song không phải giải pháp tốt nhất cho tất cả mọi người. Tập đoàn này cũng duy trì dòng sản phẩm hybrid một phần vì quan ngại tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu pin và cơ sở hạ tầng trạm sạc trong ít nhất một thập kỷ tới. “Chúng ta cần sử dụng tư duy hệ thống,” Gill Pratt, nhà khoa học chính của Toyota, nói. “Pin nên được đặt ở nơi chúng hoạt động tốt nhất.”
Theo các chuyên gia, cơn sốt EV đang tăng nhanh hơn dự kiến. Tại một số quốc gia, khoảng cách cung-cầu đang được thu hẹp nhanh chóng. Chằng hạn như ở Na Uy, cứ 5 phương tiện thì có 1 chiếc là EV, trong khi ở Trung Quốc, 25% doanh số bán ô tô mới là xe điện.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các nhà máy gấp rút liên kết chuỗi cung ứng pin và mở rộng dây chuyền lắp ráp mới, nhiều khu vực sẽ không tìm thấy điểm giao cung-cầu trong nhiều năm. Tại Mỹ, 25% người tiêu dùng muốn mua xe điện, song chỉ 4% lượng xe xuất xưởng từ Bắc Mỹ là phù hợp nhu cầu.
Sự mất cân bằng khiến việc tìm kiếm một chiếc ô tô điện, đặc biệt là ô tô điện giá rẻ, trở nên khó khăn. Theo Edmunds, giá niêm yết trung bình cho một chiếc EV vào tháng 10 là gần 59.000 USD tại Mỹ, cao hơn gần 1/4 so với toàn ngành. Xe hybrid đắt hơn xe xăng, nhưng chỉ nhỉnh hơn một chút.
Ngoài ra, còn có một thách thức khác là bản thân xe điện không “xanh” như chúng ta tưởng. Nó tạo ít khí thải, song quá trình khai thác kim loại hiếm để sản xuất pin và vận hành nhà máy lại xả thải hơn nhiều so với việc vận hành một chiếc xe truyền thống, theo CarbonCounter .com, một mô hình được phát triển bởi Phòng thí nghiệm Trancik của Viện Công nghệ Massachusetts.
“Xe điện sẽ là tương lai của chúng tôi, nhưng giờ chúng tôi chưa sẵn sàng để sử dụng nó”, Kate Buckens đang sống tại vùng nông thôn Connecticut nói, đồng thời cho biết gia đình cô chỉ đi những quãng đường ngắn trong phạm vi 50km nên đã quyết định mua 1 chiếc Toyota Rav4 Prime hybrid.
“Trung bình, lượng khí thải của bạn thấp hơn đáng kể nếu bạn sử dụng xe chạy hoàn toàn bằng điện. Một số loại xe hybrid cũng cho tác dụng tốt tương tự”, Jessika Trancik, giáo sư MIT cho biết.
Được biết, Nhật Bản đã chuyển đổi sang nền kinh tế hydro từ năm 2014. Các quốc gia Trung Đông, đặc biệt là Saudi Arabia, cũng đang sử dụng tiền thu được từ dầu mỏ để tái đầu tư vào năng lượng hydro, nhằm giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường năng lượng toàn cầu. Trong khi đó, EU đã công bố chiến lược hydro, với mục tiêu tăng tỷ trọng sử dụng nguyên liệu hydro từ 3% hiện nay lên 14% vào năm 2050.
Trong nỗ lực tăng cường sử dụng năng lượng mới, Trung Quốc cũng tuyên bố đầu tư mạnh vào công nghiệp sản xuất hydrogen. Trong đó, thành phố Thượng Hải cam kết trong 3 năm tới sẽ xây dựng 70 trạm tiếp nhiên liệu hydro với chuỗi công nghiệp hơn 100 tỷ Nhân dân tệ (14,6 tỷ USD).
Theo Liên minh Hydrogen Trung Quốc, giá trị sản lượng ngành công nghiệp này năm ngoái đã đạt 360 tỷ Nhân dân tệ (54,5 tỷ USD). Đến năm 2025, giá trị sản lượng được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần, lên hơn 1.000 tỷ Nhân dân tệ (147 tỷ USD).
Theo autopro