Thời gian qua, tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác liên tiếp xảy ra những vụ hỏa hoạn khi xe ôtô đang vận hành, đã khiến người tham gia giao thông có cảm giác bất an, lo lắng. Đặc biệt, đối với những xe khách đường dài, trên xe luôn có rất đông hành khách, nếu không may gặp xảy ra hỏa hoạn thì hậu quả khôn lường.
Bỗng dưng bốc cháy ô tô
Vụ hỏa hoạn xảy ra đối với chiếc xe ôtô du lịch loại 4 chỗ vào rạng sáng 14-9, tại khu vực Trung tâm Điều hành sân bay Nội Bài, Hà Nội đã khiến lái xe tử vong. Vụ cháy xảy ra lúc 11h trưa 13-9, đối với chiếc xe tải chở xi măng chạy trên đường vành đai 3 trên cao theo hướng Pháp Vân - Mỹ Đình, hoặc chiếc xe khách đang lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bỗng dưng phát hỏa, rất may mắn 22 hành khách đi trên xe đã không ai việc gì… Những vụ cháy ôtô liên tiếp xảy ra đã làm cho người dân không khỏi lo lắng.
Hiện trường vụ cháy xe khách tại đường Pháp Vân- Cầu Giẽ
Câu hỏi đặt ra là - Tại sao xe ôtô lại dễ dàng tự bốc cháy và làm thế nào để điều đó không xảy ra? Có nhiều ý kiến cho rằng, do thời tiết nắng nóng, xe chạy đường dài chở quá tải, xe quá cũ dẫn đến nóng máy dễ phát hỏa. Cũng có ý kiến khác cho rằng trong xe để thiết bị dễ phát sinh cháy nổ như bình ga, bật lửa…
Trung tá Nguyễn Đức Trường, chuyên gia có kinh nghiệm 30 năm lái xe, sửa chữa ôtô thuộc Cục quản lý ôtô, máy kéo, Tổng Cục kỹ thuật, Bộ Quốc phòng phân tích: “Trước tiên, xe đang vận hành mà tự phát cháy phải xác định do lỗi từ chủ xe không thường xuyên kiểm tra, chăm sóc xe. Tuy nhiên, bao giờ cũng là lỗi kỹ thuật điện và xăng luôn được cho là “kẻ chủ mưu” gây cháy, nổ.
Cùng với đó, những xe có cổ ống xả hở, nếu vô tình để rơi, vướng chất liệu dễ cháy như vải vóc, rơm rạ… khi xe chạy nóng máy những vật dụng nói trên sẽ bị cháy và dẫn đến cháy xe. Về hệ thống điện, và xăng của xe, trong khi sử dụng phương tiện, nhiều chủ xe lắp thêm tivi, đầu đĩa, “độ” thêm âm thanh, loa đài, ánh sáng... Những thiết bị điện lắp thêm đã gây quá tải hệ thống điện và dẫn đến chập cháy khi gặp hơi xăng, hoặc xăng rò rỉ”.
Qua tìm hiểu của phóng viên, có một sự cố mà ít ai chú ý đến nhưng lại rất dễ xảy ra đó là do gửi xe thời gian dài tại bãi trông giữ xe, chiếc xe lâu ngày bị chuột chui vào cắn các vỏ dây điện và khi lái xe đi trên đường xấu, xe rung lắc khiến dây điện đánh lửa vào vỏ máy dẫn đến chập cháy tại nơi có khí xăng.
Ở những nước có ngành công nghiệp ôtô phát triển, người dân sở hữu một xe ôtô làm phương tiện đi lại là chuyện rất bình thường. Còn ở nước ta, ôtô không đơn thuần là phương tiện mà còn là một tài sản lớn trong gia đình. Những vụ hỏa hoạn xảy ra mặc dù thiệt ít thiệt hại về người bởi hầu hết chủ phương tiện thoát ra ngoài kịp thời song thiệt hại về tài sản là rất lớn.
Ai cũng biết, mọi sự việc đều có nguyên nhân, trong đó ôtô tự bốc cháy không phải bỗng dưng. Do đó, mỗi khi xảy ra vụ cháy, rất cần cơ quan chức năng phân tích, đưa ra nguyên nhân cụ thể, chính xác để có những khuyến cáo chính thức của cơ quan có trách nhiệm, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại từ các sự cố tương tự.
Bảo dưỡng không đầy đủ là tác nhân của các sự cố
Theo ông Nguyễn Văn Ký, chủ xưởng đại tu ôtô tại phố Pháo Đài Láng, quận Đống Đa, đối với phương tiện kỹ thuật vận hành như ôtô hay các loại máy tượng tự, việc bảo trì, bảo dưỡng theo đúng định kỳ là điều quan trọng. Thực hiện đúng không chỉ kéo dài tuổi thọ của máy, phương tiện mà còn hạn chế tối đa các nguyên nhân khác phát sinh như cháy, nổ, hỏng hóc…
Khi bảo trì, bảo dưỡng các kỹ sư phát hiện, thay thế kịp thời các thiết bị hỏng hóc, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt, đối với những chiếc xe đã có tuổi thọ cao, việc vận hành trong điều kiện khắc nghiệt liên tục có thể gây lão hoá nhiều thiết bị như đáy dầu máy… và làm rò rỉ ra các chất lỏng gặp tia lửa dễ gây cháy thì việc kiểm tra thay thế là rất cần thiết.
Về vấn đề xe tự phát cháy, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội khuyến cáo: “Đối với xe khách, để đảm bảo an toàn cho hành khách, việc đầu tiên phải trang bị đầy đủ các thiết bị phá cửa cần thiết, để nơi dễ nhìn thấy, dễ lấy khi không may gặp sự cố còn dùng để đập cửa kính thoát nạn.
Ngoài ra, mỗi khi hành khách lên xe, lái xe phải có nhiệm vụ hướng dẫn cách sử dụng công cụ thoát nạn, để đối phó khi không may gặp sự cố. Đặc biệt, lưu ý xe khách chạy đường dài có thùng cốp lớn chở được cả xe máy của hành khách gửi, cần phải thực hiện việc hút hết xăng trong bình ra để tránh nguy hiểm khi không may gặp sự cố”.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, hiện nay nhiều xe khách ngoài việc mang theo hàng hóa dưới cốp còn có chăn, gối cho phục vụ hành khách khi đi xe. Đây là những nguyên liệu rất dễ bén lửa và gây hỏa họa. Do đó các lái xe cần lưu ý để phòng ngừa cháy, nổ.
Còn về việc tự ý lắp đặt thiết bị điện, âm thanh, màn hình cho chiếc xe của mình, cần phải tìm thợ có tay nghề, hiểu biết về bộ phận điện của xe và không nên lắp đặt tùy tiện các thiết bị. Trên thực tế, đã có những trường hợp xe không thay đổi kết cấu, lắp đặt thêm bất cứ một thiết bị gì nhưng cũng gặp sự cố cháy.
Trường hợp này, theo nhiều chuyên gia rất có thể trước đây xe bị ngập nước, hoặc khi rửa xe nước chui vào những nơi có mối nối lâu ngày, cũng sẽ là thủ phạm gây cháy xe khi đang vận hành. Ngoài ra, trong xe có các vật liệu chống cháy như tấm xốp, vách ngăn, tuy nhiên quá trình sửa chữa, chủ xe đã thay thế vật liệu khác không đảm bảo chất lượng nên khả năng bắt lửa cao.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn cảnh báo: “Để hạn chế tối đa sự cố cháy phương tiện khi vận hành, việc kiểm tra trước khi lên xe phải là nguyên tắc đầu tiên. Đơn giản như việc kiểm tra lốp láp, mở lắp capo thăm dầu, kiểm tra nước làm mát máy... nếu làm thường xuyên việc này chỉ cần có dấu hiệu bất thường là phát hiện được ngay. Lưu ý khi phát hiện bất thường cần phải đưa xe vào gara để kiểm tra, sửa chữa, khắc phục ngay. Những hành động này sẽ hạn chế được phát sinh, sự cố cháy nổ”.
Theo An Ninh Thủ Đô