Hàng loạt xe mới giảm giá hàng trăm triệu đồng, trong khi xe cũ đang vướng việc định danh biển số nên dù giảm hàng trăm triệu đồng cũng không có khách quan tâm.
Thị trường ô tô đang bước vào cuối tháng 8/2023, là thời gian trùng với tháng 7 âm lịch (còn gọi là tháng Ngâu hay tháng cô hồn), đồng thời là tháng thứ 2 liên tiếp ô tô lắp ráp sản xuất trong nước được giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định 41/2023.
Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới sức tiêu thụ của thị trường ô tô cả cũ lẫn mới. Nhiều người tiêu dùng nhận định, xe mới khó tiêu thụ 1 thì xe cũ khó gấp hàng trăm lần.
Sức mua thấp, hàng loạt xế mới giảm giá xả hàng
Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), các thành viên trực thuộc bán được 24.687 xe trong tháng 7, tăng nhẹ 4% so với tháng 6 nhưng thấp hơn 18% so với cùng kỳ 2022. Riêng ô tô du lịch ghi nhận mức giảm doanh số 34%.
Thị trường đi xuống khiến nhiều dòng ô tô rơi vào tình trạng tồn kho. Dù đã bước sang nửa cuối của năm 2023, nhưng không ít mẫu xe sản xuất năm 2022 vẫn tiếp tục giảm giá mạnh để xả hàng.
Mitsubishi Pajero Sport sản xuất 2022 được giảm tiền mặt hơn 200 triệu đồng. (Ảnh minh hoạ)
Cụ thể, Suzuki XL7 được hỗ trợ 100% phí trước bạ tương đương mức giảm 60 triệu đồng, giá mới còn từ 540-550 triệu đồng.
Hai phiên bản Hybrid Ertiga MT và AT cũng nhận ưu đãi tương tự, giá lần lượt giảm 54 và 100 triệu đồng còn 484 và 508 triệu đồng.
Suzuki Swift 2022 có ưu đãi lãi suất 0% trong 6 tháng và quà tặng phiếu nhiên liệu, tổng trị giá 20 triệu đồng.
Không chỉ giảm giá bán, nhiều đại lý đang tặng gói phụ kiện trị giá khoảng 15 triệu đồng cho khách mua xe gồm camera hành trình, trải sàn, dán kính… Đây sẽ là ưu thế để giúp Suzuki Ertiga hybrid cạnh tranh tốt hơn với Mitsubishi Xpander.
Mới đây MG 5 được ưu đãi tới 125 triệu đồng, đưa giá bán mẫu sedan cỡ C xuống chỉ ngang những mẫu xe cỡ A như Hyundai i10, Kia Morning.
Theo đó, phiên bản MG5 STD giá đề xuất 523 triệu đồng, tuy nhiên với mức giảm 100 triệu đồng, giá bán thực tế phiên bản này chỉ còn 423 triệu đồng. Trong khi đó bản MG5 LUX được đại lý giảm tới 125 triệu đồng, về mức 463 triệu đồng.
MG5 là mẫu xe được định vị ở phân khúc C, đối đầu với những đối thủ như Kia K3, Mazda3, Hyundai Elantra hay Toyota Corolla Altis.
Honda CR-V được phân phối với bốn phiên bản tại Việt Nam gồm E, G, L và LSE. Trong tháng 8/2023, khách mua xe được giảm trực tiếp 150 triệu đồng tiền mặt. Ngoài ra, xe còn được ưu đãi lệ phí trước bạ 50%. Chi phí cho mẫu xe trong tháng này đang tiết kiệm tới 200 triệu đồng.
Đây được xem là động thái đẩy hàng tồn, dọn kho đón xe thế hệ mới ra mắt cuối năm nay.
Được phân phối tại Việt Nam với mức giá 789 triệu đồng với bản E và 858 triệu đồng đối với bản V, Nissan Kicks đang được giảm giá từ 110 - 130 triệu đồng tại một số đại lý.
Bên cạnh đó, tuần qua, một số người công khai rao bán Nissan Kicks sản xuất 2022 với mức giảm 238-259 triệu đồng. Sau giảm, bản E có giá 530 triệu đồng và bản V có giá 620 triệu đồng.
Chủ showroom xe cũ đứng ngồi không yên
Trong khi người tiêu dùng vui mừng vì giá lăn bánh xe ô tô trong nước giảm giá mạnh thì thị trường xe cũ chững lại, xe không người mua khiến người kinh doanh ô tô cũ rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn, nhiều người tính chuyển nghề.
Vài tháng qua, showroom của anh Trịnh Văn Hiếu ở đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy) trưng bày khoảng 30 chiếc ô tô đã qua sử dụng nhập từ đầu năm nhưng bán rất chậm. Đặc biệt, kể từ ngày 15/8, Thông tư 24 quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới chính thức có hiệu lực, showroom của anh tịnh không một người hỏi mua.
“Hơn 2 năm qua, việc bán xe ô tô qua sử dụng đã khó, nay Thông tư 24 quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới chính thức có hiệu lực, showroom càng thêm vắng khách. Nhiều xe chúng tôi đã chấp nhận bán lỗ vốn hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn không kiếm được khách mua. Xu hướng chọn ô tô mới giá rẻ ngày càng nhiều vì vậy nhu cầu mua xe cũ của khách cũng giảm sút trông thấy”, anh Hiếu chia sẻ.
Anh Hiếu cho biết một số mẫu xe hạng sang như Mercedes, Lexus tại sàn của anh thậm chí phải chịu lỗ đến cả nửa tỷ đồng nhưng vẫn phải bán để đẩy bớt hàng, lấy lại vốn nhưng cũng khó thoát hàng.
"Hàng không bán được, chi phí mặt bằng, nhân công và tiền thâm hụt từ việc giá xe giảm, mỗi tháng showroom đang phải gánh khoản lỗ khoảng 300 triệu đồng", anh Hiếu nói.
Các showroom xe cũ vốn đã kén khách, nay Thông tư 24 quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới chính thức có hiệu lực, lượng khách càng trở nên hiếm hoi. (Ảnh minh hoạ)
Dọc đường Nguyễn Xiển, thời điểm hiện tại, giá ô tô cũ đang giảm mạnh tại tất cả các showroom không chỉ bởi tháng Ngâu mà còn do sức ép hạ giá từ thị trường xe mới, cùng với việc định danh biển số khiến nhu cầu mua xe của người dân sụ giảm mạnh, khách vắng hoe, chủ yếu là chủ showroom và thợ ngồi tán dẫu.
Anh Nguyễn Đức Ban, một showroom xe cũ trên đường Nguyễn Xiển cho biết, có những mẫu xe được điều chỉnh giảm giá đến mức kịch kim từ vài tháng nay nhưng vẫn không thể tìm được khách để đẩy hàng.
"Chẳng hạn như chiếc Mazda Premacy 7 chỗ số tự động được tôi rao bán giá rẻ hiếm hoi trên thị trường ô tô Việt Nam. Chiếc xe này được sản xuất trong nước năm 2005. Đến nay, với tuổi đời đã 18 năm, Premacy thường có giá bán trên dưới 150 triệu đồng. Tuy nhiên, bước vào tháng Ngâu, cộng với việc định danh biển số xe nên tôi rao bán chỉ 99 triệu đồng. Tuy nhiên gần 2 tháng nay cũng chẳng ai ngó ngàng hỏi han", anh Ban nói.
Dẫn ví dụ 1 mẫu xe khác là chiếc Mazda CX-5, anh Ban cho biết đang rao bán giá 399 triệu đồng, tương đương xe cỡ A mới như KIA Moring. Với số tiền này khách hàng chưa đủ mua một chiếc xe gầm cao thuộc phân khúc thấp nhất như Toyota Raize (từ 549 triệu đồng) hay Kia Sonet (499 - 624 triệu đồng). Vậy nhưng đã hơn 3 tháng vẫn không có người hỏi.
Theo giải thích của chủ salon này, kinh tế khó khăn, thu nhập eo hẹp, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu nên hầu hết xe ô tô mới đã phải giảm giá hàng loạt, có những mẫu giảm đến vài trăm triệu đồng và được giảm 50, thậm chí là 100% phí trước bạ để kéo khách nhưng lượng tiêu thụ còn rất chậm. Do vướng vào biển số định danh, cộng với tâm lý người tiêu dùng Việt ngại mua xe cũ không biết chất lượng thế nào, có bị thuỷ kích, tai nạn hay không nên xe cũ dù có giảm sâu thêm nữa vẫn rất khó đẩy hàng.
"Thị trường sắp đến ngưỡng bão hòa rồi. Người ta mua xe ở đâu cũng có, giá nào cũng được, xe cũ hơn 3 năm qua "chết như ngả rạ". Nhiều anh em mối hàng của tôi đã nghỉ. Mình thì vẫn cố bấu víu vậy thôi. Nếu tình hình tiếp tục diễn ra, bản thân tôi cũng khó gắng gượng được từ nay đến cuối năm", anh Ban chia sẻ.
Còn anh Trần Văn Chung, một chủ showroom xe cũ ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cho biết, kể từ năm 2019 đến nay, việc kinh doanh buôn bán xe cũ gặp vô vàn khó khăn vì dịch bệnh, suy thoái kinh tế, chuyện định danh biển số xe và mới đây lại thêm một cú bồi dáng xuống là hàng loạt mẫu xe mới giảm giá khiến các chủ kinh doanh xe cũ như chúng tôi ngồi trên đống lửa.
"Trước đây, dù khó khăn nhưng mỗi tháng còn đẩy được 5-7 xe, vài tháng nay gần như không đẩy được chiếc nào khiến những người buôn xe cũ giờ đã nghỉ hết, chuyển sang bán phụ tùng hoặc làm ngành khác", anh Chung nói.
Chỉ tay vào chiếc Vinfast Lux A2.0 2019 bản tiêu chuẩn (base) đang được anh Chung rao bán giá 535 triệu đồng từ 4 tháng nay những cũng chỉ có người hỏi để đấy cho vui.
“So với cách đây khoảng 4 năm khi mới lăn bánh, chiếc xe này có giá lên tới 1,1 tỷ đồng, giá trị hiện tại của chiếc Vinfast Lux A2.0 này đã giảm tới một nửa, chỉ tương đương giá chiếc sedan cỡ B là Hyundai Accent. Đáng buồn là chiếc xe này mua về hơn 4 tháng rồi vẫn chưa có người rước đi, dù showroom đã cắt lỗ đến gần 100 triệu đồng bao gồm cả tiền vốn cũng như các dịch vụ làm sạch” , anh Chung nói.
Theo autopro