+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google

“Bay” cùng Mazda BT-50S

Cập nhật: 09:08 11/06/2015

Thoát khỏi “cái bóng” của Ford Ranger, mẫu xe bán tải của Mazda – BT50 đang “bay” trên “đôi cánh” của chính mình.

 

Xuất hiện tại Việt Nam vào cuối năm 2010, đúng vào thời điểm phân khúc xe bán tải vốn đã có khá nhiều lựa chọn. Mazda BT-50 khi đó do có kiểu dáng phát triển dựa trên thiết kế của “người anh em” Ford nên khá lép vế trước những Mitsubishi Triton, Nissan Navara, Isuzu D-max, Toyota Hilux… hay chính Ranger tại thị trường Việt Nam.

 

Mazda BT-50 được người tiêu dùng khá ưa chuộng.

 

Nhưng kể từ phiên bản năm 2012, Mazda BT-50 đã được trở thành “là chính mình”. Nó là một ví dụ điển hình cho những nỗ lực của Mazda mà ở đó hãng xe Nhật Bản muốn chứng minh cho tất cả mọi người thấy rằng, họ không chỉ có khả năng chế tạo xe con mà còn có thể làm ra những chiếc xe bán tải bụi bặm, hầm hố, mạnh mẽ nhưng không kém phần tiện nghi và sang trọng.

 

Kiểu dáng, thiết kế

Cách đây ngót 5 năm, chúng tôi đã từng có dịp cầm lái Mazda BT-50 phiên bản 2010. Khi đó, chiếc xe bán tải này gần như không hề có dấu ấn cho riêng cho mình, sự hợp tác giữa Ford và Mazda đã khiến ngoại hình cho đến nội thất chiếc xe bán tải của họ trở thành bản sao bất đắc dĩ của chiếc Ford Ranger. Nhưng khi mối quan hệ ấy không còn nữa, Mazda đã biết cách để biến một khối hộp di động thô kệch trở thành một cỗ máy bốn bánh với bộ cánh mềm mại và hấp dẫn hơn.

 

Ngoại hình của xe được thiết kế bằng nhiều đường cong chạy xuyên suốt từ đầu cho đến đuôi xe.

 

Không phụ thuộc nữa lại càng hay. BT-50 tự “bay cao” trên “đôi cánh” của chính mình. Và điều này được thể hiện rõ nhất qua kiểu dáng, thiết kế hoàn toàn mới. Ngoại hình của xe được thiết kế bằng nhiều đường cong chạy xuyên suốt từ đầu cho đến đuôi xe, tạo cho tổng thể chiếc xe một cái nhìn “mềm mại” mà không thiếu cảm giác chắc khoẻ.

Thiết kế của xe được hoàn thiện bởi lưới tản nhiệt dạng “tổ ong”, thanh ngang cứng cáp và đơn giản ở bản 2010 đã được thay thế bằng một đường cong đầy sức hút, logo Mazda vẫn được đặt chính giữa nổi bật. Hệ thống đèn pha, xi-nhan và hốc đặt đèn sương mù đều có cấu trúc hình quả trám.

 

  

 

Những đường nét ấy giúp khuôn mặt BT-50 trở nên “mềm” và quyến rũ như phần đầu xe của một chiếc sedan. Còn phía sau, ngược lại, khá đơn giản và đậm chất pick-up. Cặp gương tích hợp đèn báo rẽ, tay nắm cửa, tay nắm thùng xe hay ốp cản sau đều được mạ crôm sáng bóng tạo nên vẻ cứng cáp và chắc khỏe cho chiếc xe.

Đó là còn chưa kể tới việc phiên bản mà chúng tôi lái thử - BT-50S còn trở nên hầm hố hơn nhờ trang bị gói ngoại thất thể thao. Bộ phụ kiện này bao gồm bộ bodykit sơn cùng màu thân xe, ốp cản trước có đèn LED, cánh lướt gió ở nắp capo, ốp hông, ốp viền bánh, vè che mưa, nắp thùng xe thể thao… Tất cả tạo nên bề ngoài của chiếc xe một vẻ đẹp nam tính và hấp dẫn đến khó cưỡng.

 

Nội thất, tiện ích

Sau vẻ ngoài đúng “chất” pick-up, Mazda tạo nên sự khác biệt cho BT-50 bằng một nội thất được chế tạo cầu kỳ và phức tạp như… sedan. Vẻ sơ sài vốn dĩ của một chiếc pick-up dân dã nhường chỗ hoàn toàn cho một không gian tương đối sang trọng.

 

Sau vẻ ngoài đúng “chất” pick-up, Mazda tạo nên sự khác biệt cho BT-50 bằng một nội thất được chế tạo cầu kỳ và phức tạp

 

Nội thất hai tông màu xám và rất nhiều các “vệt sáng bóng” của nhôm ốp xuất hiện quanh các đồng hồ hiện thị thông tin, trên mặt bảng điều khiển trung tâm, công tắc cửa, tay nắm cần số…Táp-lô được thiết kế mới cầu kỳ và tinh tế gần như trên các dòng xe du lịch của Mazda.

Ngồi xuống ghế lái mới cảm nhận rõ cái sự “chiều khách” của các kỹ sư chế tạo và các nhà thiết kế của Mazda. Các ghế ngồi bọc nỉ đều được chế tạo với kích thước lớn hơn, đệm ghế có độ đàn hồi cao đem lại sự thoải mái cho người ngồi, đặc biệt khi đi trên địa hình xấu.

 

  

 

Hệ thống điều hòa nhiệt độ hai vùng độc lập trên khoang lái đem tới hiệu quả cân bằng nhiệt độ tối ưu hơn. Rất nhiều những trang bị phục vụ cho một chuyến hành trình như hộp đựng đồ, gạt tàn di động, giá để cốc được tích hợp tất cả trong một cụm rất tiện dụng.

Phục vụ cho nhu cầu giải trí là hệ thống âm thanh mới với bộ khuếch đại âm 4 kênh, công suất 35W. Bên cạnh đó là hệ thống điều khiển bằng giọng nói, hệ thống chống trộm, gương chiếu hậu gập/chỉnh điện... cùng hệ thống giải trí với ổ CD có hỗ trợ kết nối USB, AUX, Bluetooth... Những tiện nghi này giúp cho lái xe cảm thấy thoải mái nhất khi cùng Mazda BT-50 chinh phục những hành trình dài.

 

Động cơ và vận hành

Nếu ai đó hỏi tôi, điều gì tạo nên sự phấn khích khi ngồi sau vô lăng Mazda BT-50, tôi sẽ trả lời họ rằng, đó chính là khả năng đem lại những cảm xúc khác nhau khi điều khiển BT-50 trên các loại địa hình khác nhau.

 

Phiên bản BT-50S mà chúng tôi có dịp chạy thử sử dụng động cơ dầu I5 3.2L, hộp số tự động 6 cấp cùng hệ dẫn động 2 cầu chủ động.

 

Phiên bản BT-50S mà chúng tôi có dịp chạy thử sử dụng động cơ dầu I5 3.2L, hộp số tự động 6 cấp cùng hệ dẫn động 2 cầu chủ động. Động cơ này sản sinh sức mạnh 198 mã lực tại 3.000 vòng/phút và mômen xoắn cực đại 470 Nm tại 1.750 - 2.500 vòng/phút.

Những thông số động cơ nói trên đã biến BT-50 trở thành mẫu xe bán tải mạnh nhất tại Việt Nam. Và cũng vì thế, chiếc xe sở hữu khả năng tăng tốc tốt khi chạy trên đường cao tốc. Trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, với giới hạn tốc độ 100 km/h, chiếc pickup của Mazda không hề e ngại bất cứ một “người bạn đường” nào đang đi cùng chiều. Hộp số 6 cấp chuyển số mượt mà. Ở tốc độ đều, tiếng ồn vọng vào khoang xe là rất nhỏ, dù BT-50 sử dụng máy dầu. Có chăng, tiếng động cơ chỉ rõ hơn mỗi lần xe tăng tốc hoặc vượt lên đột ngột.

 

  

 

Đi hết đường cao tốc, chạy vào khu công trường khai thác đá ngổn ngang, chiếc xe lại chứng tỏ một khả năng khác – khả năng offroad. Xe Mazda BT-50 có kích thước 5.365 x 1.850 x 1.821 mm (dài, rộng, cao), độ cao gầm xe 237mm, bán kính vòng quay tối thiếu 6,2m, bộ bánh xe kích thước 265/65-17. Thông số trên khiến tôi tự tin điều khiển BT-50 qua địa hình đá, sỏi gồ ghề.

Gặp một con dốc gấp, quan sát kỹ chất lượng mặt đường và khâu an toàn, chúng tôi quyết định thử khả năng chịu đựng của khung gầm và hệ thống treo trên xe. Lấy đà ở tốc độ 70km/h, lao qua dốc, nhờ quán tính, chiếc xe “bay” lên trong tích tắc với cả 4 bánh không chạm đất. Khi “hạ cánh”, nhờ hệ thống khung gầm được thiết kế với vật liệu cứng cùng hệ thống treo linh hoạt mà những rung chấn được giảm tới tối đa, dao động lúc xe tiếp đất được dập tắt nhanh chóng.

Bên cạnh đó, xe cũng được trang bị hệ dẫn động 4 bánh, với 3 chế độ gài cầu: 2H (1 cầu nhanh), 4H (2 cầu nhanh) và 4L (2 cầu chậm). Gài cầu về chế độ 4L chỉ bằng thao tác xoay nút, chiếc xe dễ dàng vượt qua những con đường đầy đá hộc, những ổ voi to do xe tải chở đá tàn phá. Đặt bánh xe qua những vũng nước lớn, trơn trượt, BT-50 “giãy” qua một cách đơn giản nhờ hệ thống chống trượt (TSC).

BT-50 tạo cho người lái cảm giác phấn khích khi điều khiển nhưng cũng khiến họ vô cùng yên tâm với các thiết bị an toàn. Hệ thống phanh có hỗ trợ chống bó cứng phanh ABS (cho phanh đĩa phía trước), hệ thống cân bằng điện tử DSC, hệ thống kiểm soát tốc độ, hệ thống đèn pha/gạt nước tự động, gương chiếu hậu bên trong chống chói, cảm biến lùi, 4 túi khí... là những công nghệ an toàn cơ bản xuất hiện trên xe.

 

Đánh giá

 

Sau 3 năm “trở lại” cùng thương hiệu Mazda tại Việt Nam, “vươn lên thần kỳ” để bỏ xa những “người đồng hương” đến từ Nhật như Toyota Hilux, Isuzu D-max, Mitsubishi Triton hay Nissan Navara và liên tục rút ngắn khoảng cách với Ford Ranger, Mazda BT-50 đang ngày càng khẳng định vị trí của mình trong sân chơi xe bán tải bằng những tính năng ưu việt.

Theo Autodaily

Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin đã lưu
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Duy trì đăng nhập
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên truy cập
Email
Gửi Đóng