7 năm nay, bức tranh ô tô nhập khẩu về Việt Nam đã có sự thay đổi về nhiều mặt. Giá ô tô nhập trung bình ngày càng tăng cao trong khi ô tô từ Indonesia nổi lên như một hiện tượng khi nhập về Việt Nam ngày càng nhiều.
Giá ô tô con nhập khẩu ngày càng tăng
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giai đoạn 2011-2017 lượng nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống vào Việt Nam bình quân đạt hơn 33 nghìn chiếc/năm.
Năm 2015, đánh dấu cột mốc nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi đạt mức kỷ lục trong cả giai đoạn với 51,4 nghìn chiếc. Trong năm 2016, cả nước nhập khẩu giảm xuống còn 50,6 nghìn chiếc. Bước sang năm 2017, nhập khẩu lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi tiếp tục giảm còn 38,8 nghìn chiếc.
Bước sang Quý I/2018, mặc dù thuế suất nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi có xuất xứ từ các nước ASEAN được điều chỉnh về 0% từ ngày 01/01/2018 nhưng do tác động của Nghị định 116/2017/NĐ-CP nên lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2018 giảm mạnh so với cùng thời gian năm 2017.
Trong quý đầu tiên của 2018, chỉ có 3,1 nghìn chiếc nhập khẩu về Việt Nam.
Từ năm 2011 đến năm 2015, đơn giá bình quân khai báo nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi dao động quanh con số hơn 11 nghìn USD/chiếc (khoảng 250 triệu đồng/chiếc, chưa bao gồm thuế, phí).
Bước sang năm 2016 giá xe nhỉnh hơn, đạt 14 nghìn USD/chiếc (khoảng 318 triệu đồng/chiếc) và năm 2017 giá xe đạt hơn 18 nghìn chiếc (khoảng 409 triệu đồng/chiếc) - mức cao nhất cả giai đoạn.
Trong quý I/2018, giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao với bình quân hơn 22 nghìn USD/chiếc (khoảng 500 triệu đồng/chiếc, chưa bao gồm thuế phí).
Theo Tổng cục Hải quan, có sự chuyển dịch nhẹ về xuất xứ của xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi về Việt Nam. Những năm đầu giai đoạn 2011-2017, nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là xe có xuất xứ từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản. Bước sang năm cuối giai đoạn, trong năm 2017 nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi từ Indonesia tăng cao đột biến và có thị phần lớn nhất tại Việt Nam.
Riêng trong quý I/2018, nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với hơn 2,9 nghìn chiếc, chiếm tỷ trọng hơn 95%. Lý do là thời gian này Thái Lan đã cấp Giấy chứng nhận kiểu loại cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, tạo điều kiện cho ô tô Thái Lan nhập về Việt Nam. Trong khi đó phía Indonesia giai đoạn đó vẫn chưa cấp Giấy chứng nhận kiểu loại cho ô tô nên xe từ Indonesia “tắc đường” về Việt Nam.
Ô tô tải nhập khẩu tăng cao
Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan cho hay: Tỷ trọng nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có chiều hướng giảm dần, bên cạnh đó nhập khẩu xe ô tô tải lại có xu hướng tăng cao.
Nếu như những năm đầu giai đoạn 2011-2017, nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi chiếm tỷ trọng lớn nhất thì gần đây nhập khẩu xe ô tô tải lại chiếm ngôi vị trí đầu.
Số liệu thống kê cho thấy, tình hình nhập khẩu xe ô tô tải của Việt Nam ngày càng tăng cao. Những năm khởi đầu giai đoạn 2011-2017 mới dừng lại ở con số bình quân hơn 17 nghìn chiếc/năm, bước sang năm 2015 đạt mức cao kỷ lục với gần 49 nghìn chiếc. 2 năm 2016 và năm 2017 lượng xe tải nhập khẩu giảm nhẹ.
Đặc biệt, trong quý I/2018, cả nước chỉ nhập khẩu 839 chiếc, giảm 90,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đơn giá bình quân nhập khẩu xe ô tô tải vào Việt Nam trong cả giai đoạn 2011-2017 dao động quanh khoảng 25 nghìn USD/chiếc, tuy nhiên năm 2016 và năm 2017 giá thấp nhất trong cả giai đoạn chỉ nhỉnh hơn 20 nghìn USD/chiếc.
Xuất xứ của xe ô tô tải vào Việt Nam ổn định trong cả giai đoạn 2011-2017,chủ yếu xuất xứ từ Thái Lan, từ Trung Quốc, từ Hàn Quốc, từ In đô nê xi a. Một vài năm gần đây, có xe tải xuất xứ từ Ấn Độ và Nga.
Đối với xe ô tô trên 9 chỗ ngồi, bình quân những năm đầu giai đoạn 2011-2017, lượng xe loại này nhập khẩu vào Việt Nam chỉ khoảng gần 200 chiếc/năm, năm 2013 tăng lên với hơn 600 chiếc, năm 2014 nhập hơn 900 chiếc.
Bước sang năm 2015, nhập khẩu loại xe này đạt kỷ lục với hơn 1,2 nghìn chiếc, sau đó giảm trong năm 2016 và năm 2017 với mức lần lượt là 865 chiếc và 745 chiếc.
Trong quý I/2018, cả nước chỉ nhập khẩu 67 chiếc, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2016.
Đơn giá khai báo nhập khẩu xe ô tô trên 9 chỗ ngồi vào Việt Nam trong cả giai đoạn dao động quanh khoảng 28 nghìn USD/chiếc.
Theo Autodaily