Khi khách hàng sở hữu mức tài chính 10 con số, sự chênh lệch trong giá bán không còn là yếu tố quá quan trọng trong cách lựa chọn ôtô.
Giai đoạn 2015-2017, phân khúc crossover cỡ C ghi nhận sự thịnh vượng của Mazda CX-5. Cùng với Mazda3, CX-5 luôn đứng top doanh số phân khúc, với các chương trình giảm giá liên tục. Vào 2017, mức giá thấp nhất của CX-5 là 770 triệu cho bản 2.0 một cầu, thấp hơn so với CR-V và Tucson khoảng 100 triệu. Khi ấy, Tucson chỉ có dạng nhập khẩu với mức giá trên 850 triệu và CR-V lắp ráp trong nước, giá từ 898 triệu đồng.
Với mức giá thấp nhất phân khúc, CX-5 không cho các đối thủ khác cơ hội vươn lên. Suốt từ 2015 đến 2018, mẫu xe do Thaco phân phối luôn đứng số một về doanh số. Yếu tố giá trở thành nhân tố quyết định lượng xe bán ra.
Tuy vậy, giảm giá không phải là chiêu có thể áp dụng dài hạn, bởi Thaco đã phải chấp nhận cắt lãi vì mục tiêu thị phần. Từ 2018, Thaco dần bỏ các chương trình ưu đãi, CX-5 dần tăng giá. Lúc này, mẫu xe thương hiệu Nhật chuyển sang cách tiếp cận mới bằng tiện nghi và công nghệ an toàn. CX-5 là chiếc xe đầu tiên trong phân khúc trang bị các tính năng như cảnh báo điểm mù, cảnh báo lệch làn đường hay hiển thị thông tin trên kính lái HUD.
Nhưng chỉ chừng ấy dường như là không đủ. Đến 2019, CX-5 mất dần vị thế. Chiếc crossover không còn sức hút về giá, thiết kế dần trở nên quen mắt, bớt tính đột phá. Quan trọng hơn, các đối thủ tìm ra những yếu tố khác để thu hút khách hàng, thay vì giá. Theo các chuyên gia bán hàng, điều kiện đường sá ngày càng tốt, xe ở phân khúc dưới ngày càng áp dụng nhiều công nghệ, nên giá không còn là yếu tố tiên quyết hiện nay.
Giám đốc bán hàng một hãng xe Nhật cho biết, giá xe này cao hơn xe kia không phải vấn đề quá lớn. Trong hai mẫu xe, một chiếc đắt hơn nhưng khách hàng tìm thấy ở đó nhiều giá trị hơn thì vẫn dành phần thắng trong cuộc đua doanh số.
Khả năng vận hành, trang bị an toàn, tính hữu dụng mới là các từ khóa mới để "chốt sales".
Ở phân khúc này, về vận hành, CR-V được đánh giá cao bởi tính thể thao, trong khi đó sự bền bỉ, lành tính nhưng lại khoẻ khoắn là điểm cộng của Outlander. Mẫu xe của Mitsubishi không nằm ở các thứ hạng cao về doanh số, nhưng lại có một nhóm khách hàng trung thành với thương hiệu, những người yêu mến chất lượng động cơ có tiếng của hãng nãy nhiều năm qua. Outlander lắp động cơ 2.0 và 2.4, hộp số CVT, dẫn động tuỳ chọn cả một cầu và hai cầu. CR-V và Outlander cũng là hai mẫu xe gần nhất có phiên bản nâng cấp, những đối thủ khác đều là phiên bản cũ.
Tucson có cách vận hành nhẹ nhàng như một đặc trưng của Hyundai, nhưng cần thêm nhiều sự đầm chắc để chinh phục đường trường. Những cái tên còn lại không có quá nhiều ấn tượng về vận hành: CX-5 không định hình rõ phong cách, Nissan X-Trail hợp đi hàng ngày, nhiều công nghệ an toàn nhưng cũng khó tạo nên cá tính. X-Trail cũng có những lựa chọn dẫn động một hoặc hai cầu.
Về mặt trang bị an toàn, cuộc đua này đang ngày càng khốc liệt khi hãng nào cũng cố gắng đắp lên chiếc xe của mình nhiều công nghệ nhất có thể. Những công nghệ an toàn chủ động như giảm thiểu va chạm trước, cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi hay lệch làn, giữ làn không còn là điều xa lạ.
Cuối cùng, ở phân khúc này, các hãng đều đang đi đúng hướng với định hướng lắp ráp của Chính phủ. Những cái tên quen thuộc đều lắp ráp, không tính một số cái tên nhập khẩu doanh số nhỏ như Subaru Forester hay người mới MG HS. Lắp ráp cũng sẽ giúp các hãng chủ động nguồn cung, tránh phụ thuộc nhà máy ở nước ngoài, trong tình hình dịch bệnh khó kiểm soát.
Theo VnExpress