Các chuyên gia cùng ngành cũng phản đối Tesla.
Quay trở lại năm 2016, Tesla khi đó đã công bố video quảng bá về tính năng tự lái Autopilot 2.0. Từ cảnh quay trong video, có thể thấy chiếc xe của Tesla đã hoàn toàn tự di chuyển suốt một quãng đường dài mà không cần con người can thiệp vào bất cứ việc gì.
Sau khi video được đăng tải, nhiều người đã cảm thấy ngạc nhiên trước những gì mà Tesla đã đạt được trong tiến trình phát triển công nghệ tự hành. Tuy nhiên, những gì mà các cựu kỹ sư Tesla vừa mới tiết lộ với tờ New York Times thì lại nói lên điều ngược lại: Video đó là một "vở kịch".
TIẾT LỘ CỦA CỰU KỸ SƯ TESLA
Mẫu Tesla Model 3 trong chế độ tự lái. Ảnh: Caranddriver
Cụ thể, 2 cựu kỹ sư của Tesla từng tham gia phát triển Autopilot đã hé lộ với New York Times rằng chiếc xe trong đoạn video này sử dụng bản đồ 3D kỹ thuật số của cả tuyến đường mà chiếc xe di chuyển; đây là tính năng mà các mẫu xe thương mại được bán đại trà không hề có.
2 cựu kỹ sư này cũng cho biết một sự việc còn đáng kinh ngạc hơn, đó là trong quá trình quay video, chiếc xe Tesla đã tự đâm vào rào chắn bên đường trong khuôn viên của Tesla khi kích hoạt chế độ Autopilot. Chiếc xe sau đó đã phải sửa lại.
Trên đây là đoạn video mà Tesla sử dụng để truyền thông. Đáng chú ý là tới tận ngày nay, video này vẫn đang được sử dụng làm tư liệu cho Tesla.
Khi chế độ tự lái Autopilot 2.0 được ra mắt vào tháng 10/2016, CEO của Tesla là Elon Musk đã nói tại một cuộc họp báo rằng những chiếc xe của Tesla sẽ được trang bị camera, hệ thống máy tính và các thiết bị khác để chiếc xe có được khả năng "tự lái hoàn toàn".
Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Bloomberg
Ngay lúc đó, Elon Musk không chỉ khiến truyền thông ngạc nhiên, mà chính các kỹ sư của Tesla cũng ngỡ ngàng khi vị tỷ phú (hiện đang sở hữu tổng tài sản lớn nhất thế giới) đã phát biểu với thái độ quá tự tin và đầy hứa hẹn vào một thứ không thể.
Trong một bài đăng của New York Times mà tờ báo đã có dịp trao đổi với 19 người đã hoặc đang làm tại Tesla trong suốt thập kỷ qua, Elon Musk cũng được cho là ngó lơ những điều mà chính các kỹ sư của Tesla còn đang băn khoăn, được cho là nói phóng đại về khả năng của công nghệ tự lái tiên tiến suốt hàng năm trời.
Không chỉ vậy, các nhân sự của Tesla cũng chia sẻ rằng quyết định loại bỏ sử dụng Radar hướng về phía trước của Tesla cũng bị các kỹ sư phản đối quyết liệt, song kết quả ở hiện tại là các mẫu xe mới đều không được trang bị Radar hướng trước, các xe đã sản xuất thì được cập nhật phần mềm để tự ngắt tín hiệu với cảm biến này.
Quyết định này được cho là có liên quan đến quan điểm về phát triển xe tự lái của Elon Musk, rằng con người với đôi mắt có thể điều khiển xe được thì chiếc xe cũng vậy, cũng chỉ cần camera là đủ.
Chắc cũng không quá ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu về công nghệ tự hành luôn phản đối.
MỤC ĐÍCH CUỐI CỦA TESLA LÀ KINH DOANH
Chuyên gia Schuyler Cullen, hiện đang quản lý đội ngũ phát triển công nghệ tự hành của Samsung chia sẻ: "Camera hoàn toàn không phải là mắt người! Pixel [gọi là Điểm ảnh] cũng không phải là hệ thần kinh ở mắt! Hệ thống F.S.D [viết tắt của Full Self Driving, tạm dịch là Tự lái đầy đủ] chẳng giống chút nào với vùng thị giác tại thùy chẩm ở vỏ đại não! [bộ phận giúp não bộ "đọc" thông tin mà mắt người gửi về, giúp con người nhìn được]".
CEO của Mobileye là Amnon Shashua thì cho rằng Tesla quan tâm tới doanh số nhiều hơn là những điều thực tế. Ông cho biết: "Chúng ta không nên quá tin vào lời của Tesla. Mục đích cuối cùng của họ chưa hẳn đã là những điều thực tế. Mục đích cuối của họ là tạo dựng kinh doanh".
Tờ New York Times sau đó cũng đã liên lạc với Elon Musk và "luật sư cấp cao của Tesla" nhiều tuần về vấn đề, song, hồi đáp vẫn chưa có.
Theo autopro