Theo con số thống kê của hải quan, tính đến hết tháng 11/2019, cả nước đã nhập hơn 135.000 chiếc xe các loại, có mức giá dưới 500 triệu đồng, tăng hơn 101% về lượng và 93% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng trong tháng 11, lượng xe nhập về Việt Nam phần lớn là xe Thái Lan, Indonesia, chiếm đến khoảng 90% về lượng, chủ yếu là loại xe nhỏ, có giá trị thấp. Các loại xe có giá trị cao trên 500 triệu đồng về ít hơn so với trước.
Trước đó, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hết tháng 10/2019, lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam đạt hơn 106.000 chiếc, tăng hơn 57.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, lượng xe lắp ráp trong nước đang có xu hướng giảm tiêu thụ ở Việt Nam.
Doanh số bán xe lắp ráp trong nước 10 tháng qua dù vẫn cao, đạt 153.100 chiếc, nhưng đã giảm khoảng 21.600 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Hầu hết các hãng xe lắp ráp trong nước đều có xu hướng giảm doanh số bất chấp thời điểm cuối năm đang là cao điểm mua sắm xe hơi của người dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Việt, chủ salon ô tô tại Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Các mẫu xe nhập về Việt Nam đang dễ hơn, họ có chính sách chi làm quảng cáo tốt hơn các doanh nghiệp trong nước nên người Việt thích hơn.
Tuy nhiên, ông Việt thừa nhận thực tế là các dòng xe nhập dù giá rẻ song khi nhập vào Việt Nam lại không giảm giá tương ứng với việc bỏ thuế nhập khẩu từ 30 - 40%, xuống còn 0%.
Theo ông Việt lý giải: “Khi chúng tôi làm việc với doanh nghiệp đầu mối, họ giải thích khá phức tạp về điều này. Bản thân chúng tôi cũng muốn giá xe giảm sâu để bán tốt hơn. Nhưng các hãng thường lấy lý do chi phí vận chuyển, thời gian lưu kho, lưu bãi hoặc chi phí quảng cáo, marketing…. chiếm lượng lớn giá thành xe vào Việt Nam”.
Trên thực tế, các dòng xe giá bình dân ngoại nhập rất được chào đón ở Việt Nam như Toyota có Wigo, Avanza, Honda có HRV, Brio, Mitsubishi có Xpander, Mirage, Attrage… cũng đều có doanh số không tệ ở Việt Nam, thậm chí nhiều mẫu trở thành “hiện tượng” ở thị trường xe hơi Việt. Điều này cho thấy, nhu cầu về xe giá bình dân, phù hợp với sức mua của người Việt đang có dư địa rất lớn.
Theo báo cáo của VAMA và thông tin thị trường, hiện xu hướng giảm giá trên thị trường xe Việt tập trung nhiều vào các dòng xe cao cấp từ 800 triệu đồng đến ngưỡng gần 3 tỷ đồng, khá ít hãng chủ động giảm giá các dòng xe nhỏ.
Theo ông Nguyễn Hữu Việt, các dòng xe giá bình dân đang có doanh số bán tốt, hãng sẽ không giảm. Ông này cho rằng: “Tính toán giá nhập, giá xuất xưởng, giá tham chiếu ở thị trường tương đương là Philippines, giá xe nhập từ Thái Lan, Indonesia nếu cộng hết các chi phí về vận chuyển, marketing vẫn có thể giảm giá thêm. Các hãng không muốn giảm giá vì muốn giữ mặt bằng giá ổn định để tránh đua tốc độ giảm giá với nhau, đồng thời gia tăng lợi nhuận. Điều này không tốt cho các đại lý bán nhỏ, lẻ và cả người tiêu dùng Việt”.
Theo Cafeauto