Trong tháng 8, lượng bán vượt trội của Xforce và Xpander giúp Mitsubishi có lần đầu tiên vượt Hyundai để chiếm giữ ngôi á quân thị trường sau Toyota.
Xét riêng mảng xe con, cuộc đua thị phần tại Việt Nam nhiều năm qua luôn diễn ra giữa Hyundai và Toyota, đại diện hai thế lực, gồm xe Hàn và xe Nhật. Hiếm có hãng nào chen chân vào thế cục song mã này.
Tháng 8, Mitsubishi có lần đầu tiên gia nhập vào cuộc đua của nhóm đầu. Với khoảng cách nhỉnh hơn sít sao 170 xe, Mitsubishi vượt Hyundai, trở thành hãng bán nhiều xe con thứ hai thị trường.
Đóng góp vào mức bán cao của Mitsubishi là mẫu CUV cỡ B Xforce và MPV cỡ nhỏ Xpander. Cả hai đều dẫn đầu doanh số ở phân khúc mình tham chiến. Trong đó, Mitsubishi Xforce bán 2.504 xe, thống trị phân khúc cỡ B lẫn toàn thị trường ôtô Việt Nam trong tháng 8. Đồng thời, sau 8 tháng, Xforce (bán từ tháng 3) là mẫu xe bán chạy thứ ba thị trường sau Ford Ranger, Mitsubishi Xpander.
Với Xpander, mẫu xe đa dụng 7 chỗ nhập Indonesia này vẫn chưa có mối đe dọa nào đủ lớn cho ngôi đầu doanh số phân khúc. Đóng góp của hai nhân tố "X" vào thị phần của Mitsubishi khoảng 85%. Hãng Nhật từng lo ngại sự phụ thuộc quá lớn vào chỉ một sản phẩm như Xpander có thể khiến doanh số của hãng thiếu tính ổn định đường dài, đặc biệt khi thị trường thay đổi xu hướng hay xe chuyển sang vòng đời mới. Với Xforce, áp lực này phần nào được cởi bỏ.
Xforce, gà đẻ trứng vàng mới của Mitsubishi, lăn bánh tại TP HCM. Ảnh: Phạm Trung
Mất ngôi á quân thị trường trong tháng 8 nhưng Hyundai vẫn là hãng tiệm cận nhất doanh số của Toyota sau 8 tháng. Doanh số của hãng xe Hàn có phần chững lại khi một số dòng chủ lực hoặc có đóng góp lớn như Santa Fe, Tucson, i10 sắp có bản mới hoặc nhu cầu thị trường thay đổi. Riêng Creta, sự xuất hiện của Xforce hay Toyota Yaris Cross khiến sự thống trị của mẫu xe Hàn lắp ráp trong nước không còn như quãng 2023.
Tuy nhiên, với ưu đãi lệ phí trước bạ có hiệu lực từ tháng 9 đến tháng 11, tất cả dòng xe con đều lắp ráp trong nước là lợi thế lớn để Hyundai bứt phá doanh số trong phần còn lại của 2024. Trong khi Mitsubishi với dải sản phẩm ít hơn và phần lớn nhập khẩu, cơ hội để thắng Hyundai trong chặng đua cả năm là nhiệm vụ khó nhằn.
Sự ganh đua hay xáo trộn thứ hạng bên dưới không có tên của Toyota. Hãng xe Nhật vẫn là thế lực số một ở thị trường Việt với dải sản phẩm đa dạng nhất. Không có cái tên nào dẫn đầu doanh số ở những phân khúc trọng điểm như sedan cỡ B, CUV cỡ B, hatchback cỡ A, MPV cỡ nhỏ, nhưng đóng góp chung từ nhiều sản phẩm vẫn giúp thương hiệu Nhật duy trì ngôi đầu.
2024 có thể tiếp tục là một năm thành công của Ford khi các mẫu xe chủ lực của hãng như Ranger, Territory, Everest vẫn duy trì sức bán tốt. Đặc biệt Ford Ranger, doanh số lũy kế của mẫu bán tải đạt 10.293 xe, dẫn đầu toàn thị trường, nhỉnh hơn sít sao Mitsubishi Xpander 25 xe. Tính chung 8 tháng qua, doanh số của hãng Mỹ chỉ xếp sau Toyota và Hyundai. Vị trí số 3 của Ford là nơi Kia thường nắm giữ.
Trong năm có nhiều mẫu xe quan trọng chuyển đổi hoặc nâng cấp vòng đời như Sonet, Seltos, Carnival, doanh số Kia sụt giảm mạnh. So với cùng kỳ 2023, lượng bán 2024 của Kia giảm đến 22%, mức cao nhất thị trường xe con.
Xếp ngay sau Kia là Mazda. Doanh số của thương hiệu Nhật giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. CX-5 là điểm sáng hiếm hoi của Mazda khi doanh số hơn 7.300 chiếc, thống trị thị phần phân khúc CUV cỡ C và chiếm gần 42% thị phần bán ra của hãng.
Cùng với Mitsubishi (tăng 20%), Honda là thương hiệu hiếm hoi tăng trưởng doanh số (12%) so với cùng kỳ 2023 dù thị trường tiếp tục gặp khó. Sự có mặt của CR-V thế hệ mới từ tháng 10/2013 là tiền đề để doanh số Honda tăng trở lại.
Ba vị trí cuối bảng xếp hạng doanh số, Peugeot, Suzuki và Isuzu vẫn là những cái tên quen thuộc. Nhập khẩu hoàn toàn, dải sản phẩm ít lựa chọn là những trở ngại để các hãng này mở rộng thị phần. Riêng Peugeot, thương hiệu được đơn vị phân khối - Trường Hải - định vị cao cấp nên giá bán cao hơn so với các đối thủ Nhật, Hàn cùng phân khúc. Doanh số theo đó cũng khó tăng trưởng mạnh.
Theo vnexpress