Không giống dòng động cơ diesel 2.5L (2KD-FTV) và 3.0L (1KD-FTV) trước đây, Toyota Hilux (cũng như Fortuner) sắp tới sẽ được trang bị 2 dòng động cơ diesel hoàn toàn mới với dung tích 2.4L và 2.8L.
Dung tích động cơ diesel của các mẫu Hilux và Fortuner đã được biết là sẽ thay đổi từ loại 2.5L và 3.0L xuống còn 2.4L và 2.8L, tuy nhiên ngày 19/6 vừa qua hãng xe Nhật bản mới tiết lộ đầy đủ đặc tính và công nghệ mới áp dụng trên các dòng động cơ này.
Loại dung tích 2.4L mang mã 2GD-FTV, còn loại 2.8L mang mã 1GD-FTV. Trong đó, phiên bản 2.8L là loại động cơ đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ vách cách nhiệt TSWIN (Thermo Swing Wall Insulation Technology), khiến phiên bản này đạt hiệu suất nhiệt lên tới 44%. Theo Toyota thì đây là hiệu suất nhiệt cao nhất trên thế giới hiện nay, nên dù dung tích động cơ nhỏ hơn loại 3.0 1KD-FTV trước đó, nhưng 2.8L 1GD-FTV có mô men xoắn cực đại cao hơn tới 25%, mô men xoắn ở dải tốc độ thấp cũng cải thiện 11%, trong khi mức tiêu hao nhiên liệu giảm 15%, theo công bố của Toyota. Đây cũng là dòng động cơ đầu tiên của Toyota sử dụng bộ xúc tác urê (SCR), góp phần làm giảm tới 99% lượng NOx độc hại, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro6.
Cả hai phiên bản động cơ này đã được giới thiệu trên mẫu Toyota Hilux trình làng tại Thái Lan hồi tháng 5 vừa qua, và dự kiện cũng sẽ được trang bị cho dòng Toyota Fortuner thế hệ mới sắp tới. Ngoài ra, phiên bản 2.8L cũng vừa được giới thiệu trên mẫu Land Cruiser Prado tại Nhật hôm 17/6.
Toyota tiết lộ, thế hệ động cơ diesel GD mới này đã được kiểm nghiệm hoạt động ổn định, êm ái và mạnh mẽ ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, kể cả nơi có nhiệt độ âm 40 độ C hay nơi có độ cao lên đến 4.500m so với mực nước biển.
Đỉnh piston được mạ một lốp SiRPA như một vách cách nhiệt
Về công nghệ vách cách nhiệt TSWIN, hãng xe Nhật Bản cho biết họ mạ một lớp nhôm gia cường bằng silic (SiRPA) trên đỉnh piston. SiRPA là vật liệu cách nhiệt và phân tán nhiệt nhanh, với đặc tính dễ nhận nhiệt và nhanh nhả nhiệt, nhờ vậy mà thất thoát nhiệt của động cơ giảm tới 30%.
Bên cạnh đó, các cổng nạp cũng được thiết kế lại tối ưu hơn để cho phép không khí dễ dàng vào buồng đốt. Kiểu dáng đỉnh piston cũng được thay đổi để tạo ra buồng đốt mới; hệ thống kim phun nhiên liệu được thiết kế với áp suất cao, chính xác và nhiều giai đoạn, tận dụng tối đa lượng không khí nạp vào để đốt cháy hiệu quả nhất.
Loại động cơ đầu tiên của Toyota trang bị bộ xúc tác urê
Thế hệ động cơ mới này còn được trang bị một loại turbo tăng áp kích thước nhỏ hơn 30% so với turbo trên các dòng động cơ tương đương, đồng thời cánh turbo cũng được điều chỉnh để tăng tính đáp ứng khi tốc độ động cơ thay đổi, và tạo ra mô men xoắn lớn ngay ở tốc độ quay thấp.
Turbo mới nhỏ gọn hơn
Nhờ các cải tiến mới này mà phiên bản 2.4L cho công suất cực đại 150 mã lực và mô men xoắn cực đại lên đến 400Nm ở tốc độ quay rất thấp, chỉ 1.600-2.000vòng/phút. Phiên bản 2.8L còn mạnh mẽ hơn với công suất cực đại 177 mã lực và mô men xoắn cực đại 450Nm ở tốc độ độ quay 1.600-2.400vòng/phút. Nếu tính công suất riêng (công suất/1 lít dung tích) và mô men xoắn riêng (mô men xoắn/1 lít dùng tích) thì hai thế hệ động cơ mới của Toyota cao hơn so với hầu hết các loại động cơ của những mẫu pick-up đang bán trên thị trường Việt Nam hiện nay.
Hệ thống kim phun nhiều giai đoạn với áp suất cao.
Toyota cho biết, thế hệ động cơ diesel GD mới này sẽ thay thế cho dòng KD đang bán ngày nay. Từ năm 2016, Toyota sẽ sản xuất khoảng 700.000 động cơ như vậy mỗi năm và bán ra ở 90 nước, sau đó lên 150 nước vào năm 2020.
Theo Sinh Viên Ôtô