Nỗ lực của Chính phủ Singapore trong việc hạn chế người dân sử dụng ô tô bằng cách đánh vào các dòng thuế phí, đặc biệt là COE (chứng nhận quyền sở hữu) đã khiến chi phí lăn bánh của một chiếc xe ô tô tại quốc gia này có thể lên đến gấp 5 lần so với giá bán.
Chuyên gia truyền thông Singapore Ellie Lim đã từ bỏ kế hoạch mua một chiếc Volvo SUV mới để chở đứa con mới chào đời của mình khi cô nhận ra rằng nó sẽ tiêu tốn của cô hơn 200.000 đô la Singapore (tương đương với 142.000 USD).
Bà Lim, 34 tuổi, cho biết: "Tôi cảm thấy khá sốc, cùng với lãi suất vay mua ô tô, giá nhiên liệu và phí bảo dưỡng cao, việc mua một chiếc ô tô mới là một quyết định không thuyết phục về mặt tài chính. Tại sao bạn lại tiêu tốn chi phí mua một căn hộ từ Hội đồng phát triển nhà ở (HDB) của Chính phủ cho một tài sản mất giá nhanh?"
Không riêng bà Lim, nỗi trăn trở của bà đang phổ biến ở Singapore, quốc gia kiểm soát rất chặt chẽ số lượng phương tiện lưu thông trên đường bằng cách đấu giá giữa người tiêu dùng cho một hạn ngạch giấy phép hạn chế, khiến ô tô của họ trở thành một trong những loại xe đắt nhất thế giới. Vào tháng trước, khi nhu cầu của người tiêu dùng bị dồn nén và sự quan tâm ngày càng tăng đối với xe điện đã đẩy giá của những giấy phép này lên một mức kỉ lục mới.
Mô hình biến ô tô trở thành thứ xa xỉ ở Singapore được cân bằng bằng cách chi hàng tỷ USD cho hệ thống giao thông công cộng phổ biến và hiệu quả, đang bắt đầu khả thi hơn khi các quốc gia khác cũng đang cố gắng xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững hơn.
Ông Song Seng Wun, nhà kinh tế tại Ngân hàng tư nhân CIMB cho biết: "Nếu bạn là một nhà quy hoạch đô thị thành phố, bạn sẽ nhìn vào Singapore đầu tiên. Đây là một trong những thành phố duy nhất có thể giảm lượng xe hơi. Bạn không thể xây thêm đường mà không lấy không gian và tài nguyên của người khác, vì vậy nếu bạn muốn lái xe, hãy trả tiền."
Chính phủ Singapore kiểm soát tốc độ tăng trưởng giao thông bằng một loạt hạn ngạch và thuế có thể đẩy chi phí lăn bánh của một chiếc ô tô lên gấp 5 lần so với giá bán tại quốc gia sản xuất. Mức phí lớn nhất là Giấy chứng nhận quyền sở hữu (COE), được đặt trong một cuộc đấu giá hai lần một tháng. COE cấp quyền cho xe chạy trong 10 năm ở Singapore. Khi nó hết hạn, bạn phải hủy hoặc mua COE khác.
Các chi phí khi mua xe ở Singapore
Theo bà Selena Ling, Trưởng bộ phận Nghiên cứu & Chiến lược Ngân quỹ tại Oversea-Chinese Banking Corp tại Singapore, cho biết: "Với việc ngày càng nhiều người quay lại làm việc tại các văn phòng và bảng cân đối tài khoản hộ gia đình ổn định, nhu cầu đối với các mặt hàng có giá trị lớn như ô tô đã tăng trở lại."
Bộ Giao thông vận tải (LTA) của Singapore cho biết COE được phân bổ thông qua cơ chế thị trường. Giá cao gần đây là kết quả tự nhiên của nhu cầu cao, đã được duy trì kể từ nửa cuối năm 2020.
Sở dĩ Singapore có thể thực hiện chương trình phí sở hữu ô tô đắt đỏ như vậy một phần vì đây là một hòn đảo nhỏ chỉ có hai con đường kết nối với nước láng giềng Malaysia. Hầu hết các thành phố lớn có vùng nội địa rộng lớn và lượng xe cộ ra vào thành phố nhiều hơn, vì vậy họ phải dựa vào các cơ chế khác để hạn chế tăng trưởng, chẳng hạn như các loại phí giao thông và hạn chế phương tiện.
Ông Chua Soon Ghee, một đối tác của Công ty tư vấn AT Kearney, cho biết: "Việc cấp giấy phép sở hữu giống như COE để hạn chế người dân sử dụng xe ô tô có thể là một cầu nối quá xa đối với hầu hết các thành phố. Các lựa chọn thay thế hấp dẫn hơn cho việc sử dụng ô tô là cải thiện phương tiện giao thông công cộng hoặc phân bổ nhiều đường hơn cho các phương tiện khác như xe đạp hoặc người đi bộ, đồng thời làm cho việc sử dụng ô tô trở nên tốn kém và bất tiện hơn".
Ví dụ như tại London, họ thu phí lái xe 15 bảng Anh (tương đương khoảng 17,87 USD) một ngày để vào khu vực trung tâm trong tuần, đắt hơn so với mức phí giờ cao điểm là 3 đô la Singapore đối với khu trung tâm Singapore, trước khi mức phí tạm thời giảm vì đại dịch. New York cũng đang có kế hoạch áp dụng một hệ thống tương tự vào năm tới.
Nhưng ngày càng có nhiều các nhà quy hoạch đô thị ủng hộ rằng giải pháp thực sự cho ô nhiễm môi trường và khí thải từ ô tô là giảm thiểu chúng. Việc chuyển đổi từ sở hữu ô tô tư nhân sang hệ thống giao thông công cộng linh hoạt trong đô thị đã thúc đẩy dự đoán rằng thế giới đã gần đạt đến mức sở hữu ô tô cao nhất, một ý tưởng gắn liền với hạn chế tăng trưởng của Singapore.
Đối với hầu hết người dân Singapore, điều đó có nghĩa là phải sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đi taxi hoặc sử dụng các dịch vụ đi chung xe hoặc đi chung xe.
Ông Walter Theseira, Phó giáo sư tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, cho biết: "Bạn không cần phải sở hữu một chiếc xe ở Singapore. Số lượng phương tiện tăng không kiềm chế được sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn vô lý và trầm trọng."
Thành phố đã bổ sung 1.000 chiếc xe buýt và 200 xe lửa trong thập kỷ đến năm 2021 và đang xây dựng ba tuyến tàu điện ngầm mới để đảm bảo rằng 80% hộ gia đình sẽ ở trong phạm vi 10 phút đi bộ từ nhà ga. Chính phủ cho biết họ có kế hoạch chi hơn 60 tỷ đô la Singapore cho mạng lưới đường sắt trong thập kỷ này. Mỗi năm, họ cũng chi khoảng 2 tỷ đô la Singapore để trợ giá vé xe buýt và tàu.
Mặc dù có 5 triệu người sinh sống trên một hòn đảo có diện tích bằng một nửa của London, Singapore vẫn xếp hạng 96 trên 416 thành phố trên toàn cầu trong chỉ số tắc nghẽn giao thông TomTom NV (tổ chức chuyên về công nghệ định vị) vào năm 2019, một năm trước khi Covid làm gián đoạn giao thông. Còn trong năm 2021, quốc gia này đứng thứ 88 trên tổng số 404 quốc gia.
Tuy nhiên chi phí phương tiện đắt đỏ của Singapore cũng đi kèm với rủi ro. Trong số đó, chi phí xe hơi tăng cao có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của thành phố trong việc thu hút nhân tài quốc tế. Hòn đảo này đã là nơi đắt đỏ thứ hai ở châu Á cho người nước ngoài đến sinh sống và làm việc sau Hồng Kông, theo Khảo sát Chi phí Sinh hoạt gần đây nhất của Mercer.
Các chi phí khác cũng đang tăng lên khi Singapore bắt đầu bị ảnh hưởng bởi lạm phát toàn cầu. Theo một cuộc khảo sát của DBS Group, giá thuê nhà riêng đã tăng vọt và giá thực phẩm đã tăng 4,5% trong tháng 5 so với một năm trước đó. Hầu hết người dân Singapore đang trải qua mức tăng cao hơn so với chỉ số lạm phát chính thức và áp lực giá cả sẽ tiếp tục trong năm tới.
Đối với một giám đốc điều hành dịch vụ khách hàng như anh G Dharshen, chi phí tăng cao đồng nghĩa với việc anh ấy phải từ bỏ việc sở hữu một chiếc xe hơi vì COE cho chiếc Toyota Corolla Altis cũ của anh ấy đã hết hạn vào tháng 5 và anh ấy không đủ khả năng để thay thế nó.
Một dấu hiệu đáng khích lệ là Chính phủ đã bắt đầu khuyến khích chuyển sang sử dụng xe hybrid hoặc xe điện. Bộ Giao thông vận tải cho biết họ sẽ bổ sung 12.000 trạm sạc tại các bãi đỗ xe nhà ở công cộng vào năm 2025 và có 60.000 trạm trên toàn quốc vào năm 2030.
Ông Steven Teo, Giám đốc điều hành của nhà phân phối xe ô tô Trans Eurokars cho biết: "Các ưu tiên hiện đang có xu hướng hướng tới các mẫu xe điện và xe hybrid. Trong khi đó, một số chủ sở hữu xe hơi như Ellie Lim đang cố gắng dành thời gian của họ với hy vọng rằng giá cuối cùng sẽ giảm xuống.
Theo autopro