Đại diện của THACO cho biết, trong thời gian tới, nếu nguồn linh kiện từ phía đối tác ổn định, THACO sẽ nhập hàng bằng đường biển, hạ giá thành vận chuyển, giá xe Mazda CX-5 cũng vì thế mà giảm theo.
Trong bảng giá mới được công bố của THACO, hai mẫu Mazda CX-5 và Mazda 3 được điều chỉnh tăng thêm 10 - 30 triệu đồng so với giá bán được công bố trước đó. Trong đó, phiên bản cao cấp nhất của CX-5 được điều chỉnh cao nhất, tăng thêm 30 triệu đồng.
Cụ thể, hai bản CX-5 2.0L 2WD và 2.5L AWD tăng thêm 10 triệu đồng lên lần lượt 869 triệu và 999 triệu đồng. Riêng phiên bản 2.5L 2WD tăng giá mạnh nhất, từ 939 triệu lên thành 969 triệu đồng, tăng thêm 30 triệu đồng.
Đại diện của THACO cho biết, trong thời gian tới, nếu nguồn linh kiện từ phía đối tác ổn định, THACO sẽ nhập hàng bằng đường biển, làm hạ giá thành vận chuyển, giá xe Mazda CX-5 cũng vì thế mà giảm theo.
Không chỉ CX-5, mẫu Mazda 3 và mẫu bán tải BT-50 cũng được điều chỉnh tăng thêm 10 triệu đồng. Cụ thể, Mazda 3 2017 1.5L sedan tăng từ 639 triệu lên 649 triệu đồng. Mazda3 2017 1.5L HB tăng từ 669 triệu lên 679 triệu đồng. Mazda3 2017 2.0 sedan tăng từ 730 triệu lên 740 triệu đồng.
Việc tăng giá CX-5 và Mazda 3 được đánh giá là hướng đi "lạ" của Thaco, trong khi hầu hết các hãng ô tô khác đều giảm giá, kích cầu thị trường trước dịp cận Tết Nguyên đán 2018.
Giải thích về hiện tượng tăng bất thường của CX-5, ông Nguyễn Một, Giám đốc truyền thông, người được ủy quyền phát ngôn của Tập đoàn ô tô Trường Hải (THACO) cho biết: "Phiên bản CX-5 2.5L 2WD có mức tăng lên tới 30 triệu đồng là do phải nhập linh kiện từ đường hàng không, làm tăng chi phí vận chuyển".
"Do lượng hàng đặt cao nhưng khả năng cung cấp linh kiện từ phía đối tác không kịp nên chúng tôi phải nhập khẩu một số linh kiện bằng đường hàng không để kịp thời sản xuất, từ đó làm tăng chi phí vận chuyển và làm tăng giá bán xe", ông Một nói.
Vị đại diện của THACO cho biết thêm, thông thường, linh kiện, phụ tùng sẽ được nhập từ nước ngoài về Việt Nam bằng đường biển.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây các đối tác không sản xuất kịp để vận chuyển bằng đường biển. Vì vậy, doanh nghiệp phải chủ động nhập linh kiện bằng đường hàng không để kịp thời sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo Trí Thức Trẻ