Mẫu crossover cỡ C chuyển hình thức phân phối từ nhập khẩu sang lắp ráp từ giữa 2020, thêm một phiên bản.
Sau hơn hai năm chuyển sang nhập khẩu để hưởng thuế ưu đãi 0% từ các nước ASEAN nhờ Hiệp định ATIGA có hiệu lực từ đầu 2018, Honda đưa CR-V trở lại với hình thức lắp ráp trong nước. Lần này, nguyên nhân phần lớn là để chủ động hơn về nguồn cung khi CR-V trở thành sản phẩm bán chạy nhất của hãng cũng như phân khúc xe gia đình hạng C.
Trước nhiều thông tin về việc Honda CR-V được lắp ráp trong nước, Honda Việt Nam vẫn chưa đưa ra thông tin chính thức. Tuy nhiên theo nguồn tin của VnExpress, phiên bản lắp ráp của Honda CR-V, ngoài ba bản như hiện nay (E, G, L), có thêm một bản cao cấp LSE. Xe ra mắt đầu quý III, khoảng tháng 7-8.
Bản cao cấp nhất LSE nhiều khả năng sẽ trang bị gói an toàn Honda Sensing với các công nghệ sử dụng radar như cảnh báo làn đường hay cảnh báo va chạm... Tuy nhiên, một vài tính năng có thể bị lược bỏ để giảm chi phí.
Động cơ tăng áp 1,5 lít trên Honda CR-V vẫn không thay đổi như phiên bản nhập khẩu. Động cơ này sản sinh công suất 188 mã lực, hộp số loại CVT.
Từ đầu tháng 4, các đại lý Honda giảm giá sâu CR-V với hơn 100 triệu gồm tiền mặt và phụ kiện. Động thái này được xem để xả hàng tồn và chuẩn bị cho phiên bản mới. Giới tư vấn bán hàng khi đó, chia sẻ với khách về khả năng CR-V chuyển sang lắp ráp nhưng không chắc chắn. Mức giá của xe cũng bỏ ngỏ vì hãng có thể điều chỉnh giá bán khi chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp.
Honda CR-V (trắng, đỏ) đời 2019 nhập khẩu Thái Lan tại một đại lý Honda ở TP HCM.
Trong 2019, Honda CR-V tiêu thụ 13.337 xe, là sản phẩm bán chạy nhất của Honda và toàn phân khúc crossover hạng C với các đối thủ: Mazda CX-5, Subaru Forester, Mitsubishi Outlander, Nissan X-Trail, Hyundai Tucson. CR-V nếu được lắp ráp, là mẫu xe thứ hai của hãng sản xuất trong nước bên cạnh City.
Khi nhiều quyết định của Chính phủ ngày càng ủng hộ xe lắp ráp, việc chuyển đổi hình thức kinh doanh của một hoặc vài mẫu xe cho thấy các hãng đang phải thích ứng từng giai đoạn chính sách cụ thể để đạt được mục tiêu lợi nhuận. Trường hợp của Toyota với Fortuner, Honda với CR-V hay Mitsubishi với Xpander là những ví dụ. Một thời gian dài các hãng chỉ nhập xe về bán mà không tạo nên giá trị gia tăng cho ngành sản xuất ôtô trong nước có thể thay đổi trong những năm tới.
Theo VnExpress