Những tưởng thuế nhập khẩu từ ASEAN xuống 0% đẩy các hãng phải chọn cách chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu nhưng thế trận đã đảo chiều khi các chính sách mới được ban hành ngay những ngày cuối năm 2017.
2017 là một năm bản lề với nhiều Nghị định và chính sách mới của Chính phủ, cũng như đề xuất của các Bộ, ban ngành về thuế áp dụng trong ngành công nghiệp ô tô sẽ áp dụng từ năm tới. Cũng chính vì thế, thị trường ô tô trong nước diễn ra nhiều biến động, từ việc giảm xe hàng loạt cho đến thay đổi giữa nhập và lắp ráp xe trong nước.
Ô tô nội được kỳ vọng sẽ có giá tốt hơn nhờ những ưu đãi của Chính phủ.
Mở rộng cửa cho ô tô lắp ráp trong nước
Theo lộ trình của hiệp định thương mại tự do AFTA, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong khu vực ASEAN sẽ về 0% từ ngày 1/1/2018. Điều kiện áp dụng là xe phải có tỷ lệ nội địa hoá từ 40% trở lên. Nhiều hãng xe trong nước chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu từ Indonesia hay Thái Lan, ngay cả những mẫu xe đắt khách như Toyota Fortuner và Honda CR-V.
Nhìn theo một hướng khác, ưu đãi thuế nhập khẩu nội khối đang mở ra triển vọng cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Những chiếc xe đủ tiêu chuẩn nội địa hoá sẽ có cơ hội xuất sang các quốc gia khác trong khu vực.
Trường Hải (THACO) là đơn vị đang theo đuổi định hướng đó. Nhà máy, dây chuyền lắp ráp ô tô, sản xuất linh kiện, phụ tùng lớn được xây dựng thêm ở khu công nghiệp Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Các mẫu xe Kia, Mazda và Peugeot được nội địa hoá, tiến tới mức 40% để xuất khẩu sang nước bạn.
THACO lắp ráp xe Peugeot tạị nhà máy trong khu phức hợp Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
Không chỉ THACO, Mitsubishi Motors Nhật Bản cũng bắt đầu tăng cường rót vốn đầu tư vào Việt Nam để mở rộng việc lắp ráp và sản xuất xe, cung cấp cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu trong khu vực.
Cùng với ưu đãi thuế nhập khẩu nội khối, Chính phủ quyết định giảm thuế nhập khẩu linh kiện còn 0% trong giai đoạn 5 năm kể từ ngày 1/1/2018. Nghị định 125/2017/NĐ-CP có nêu rõ về mức sản lượng tối thiểu để hưởng ưu đãi.
Theo đó, lượng xe sản xuất ra sẽ phải tăng dần theo các năm. Điều này vừa tạo sức ép cho các doanh nghiệp nhưng vừa tạo thêm động lực để thúc đẩy xe lắp ráp trong nước. Xét theo doanh số bán hàng hiện nay, THACO, Toyota Việt Nam và Hyundai Thành Công có nhiều tiềm năng nhận được ưu đãi thuế.
Ảnh minh hoạ.
Để khuyến khích nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô sản xuất trong nước cũng được đề xuất miễn thuế. Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chủ trì trình lên Chính phủ phương án áp dụng giá tính thuế TTĐB cho ô tô nội từ 9 chỗ trở xuống không tính cho thành phần linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Xe nhập khẩu khó về Việt Nam
Nghị định 125 và 116 năm 2017 đã đặt ra rào cản lớn với ô tô nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng xe cũ kể từ ngày 1/1/2018. Ô tô cũ khi nhập về nước sẽ được áp thuế mới, mức tăng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi xe. Trong khi đó, nhiều hãng xe đã tạm hoãn nhập khẩu ô tô mới về nước do vướng phải thủ tục, giấy tờ.
Theo Nghị định 125, những mẫu ô tô cũ từ 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ có mức thuế nhập khẩu mới cao hơn từ 5.000 USD trở lên so với năm 2017. Dung tích xy-lanh càng cao, mức thuế đóng càng lớn.
Ô tô cũ có dung tích xy-lanh không quá 1 lít sẽ được áp dụng mức thuế tuyệt đối 10.000 USD, thay vì 5.000 USD như trước đây. Ví dụ, một chiếc Kia Morning 1.0L cũ nhập khẩu về sẽ tăng thêm khoảng 114 triệu đồng theo mức thuế mới.
Các mẫu xe có dung tích xy-lanh từ 1,5 lít trở lên sẽ được áp thuế nhập khẩu hỗn hợp, bao gồm mức giá tính thuế nhân thêm 150-200%, sau đó cộng 10.000-17.000 USD mỗi xe. Với mức tăng hàng trăm triệu đồng cho một chiếc xe, ô tô cũ dường như hết đường về Việt Nam.
Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cũ phải chuyển sang "mua của người chán, bán cho người cần" trong nước.
Đối với xe mới, Nghị định 116 đặt ra quy định với các doanh nghiệp phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng các loại giấy tờ như bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng cấp cho từng ô tô và tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng đối với nhà máy sản xuất tại nước ngoài.
Giấy chứng nhận kiểu loại cho ô tô nhập khẩu là vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp Việt, bởi loại giấy tờ này không có sẵn tại nhiều quốc gia. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều mẫu xe mới không thể về nước những tháng đầu năm 2018.
Việc kiểm tra chất lượng xe khi đã về Việt Nam cũng phức tạp hơn. Cơ quan quản lý sẽ thực hiện kiểm tra, thử nghiệm khí thải và chất lượng an toàn của một chiếc xe trong một lô nhập về nước. Nhiều lô xe giống nhau nhập về sẽ phải kiểm tra nhiều xe, mất nhiều thời gian, chi phí kiểm nghiệm và cả mức phí kho bãi.
Nghị định 116 đã cho thấy kết quả gần như ngay lập tức. Các hãng xe lớn như Toyota, Honda và Ford đều không thể nhập xe về, ít nhất trong đầu quý I/2018. Các mẫu xe hút khách như Fortuner, CR-V hay Ranger đều lỡ hẹn với khách hàng Việt dịp đầu năm.
Theo Autopro