Tại Beijing Motor Show, một trong những triển lãm ôtô lớn nhất thế giới, hàng nghìn người cầm điện thoại livestream bán xe trực tuyến.
Đứng xung quanh chiếc SUV màu xanh của hãng xe nội địa Chery tại Beijing Motor Show (25/4-5/5) là gần chục thanh niên nam nữ trong các bộ đồng phục trẻ trung, thời trang. Tất cả đều chung đặc điểm: một tay cầm gimbal điện thoại, tay còn lại chỉ trỏ vào chiếc xe, và miệng nói không ngừng nghỉ.
Đó là các nhân viên bán hàng của hãng. Việc livestream giới thiệu sản phẩm vốn là hình ảnh quen thuộc của giới streamer trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok... trên toàn thế giới. Nhưng tại Trung Quốc, việc này còn là của các nhân viên bán hàng. Họ đi theo nhóm hoặc "đơn thương độc mã", tường thuật trực tiếp về các mẫu xe mới.
Tuy nhiên, một điểm đặc biệt của các màn livestream tại triển lãm ôtô Bắc Kinh, là không chỉ đơn thuần giới thiệu về sự kiện và sản phẩm, mà bán hàng trực tiếp thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Việc các KOL (Key Opinion Leader), KOC (Key Opinion Consumer) bán ôtô trực tuyến trên các mạng xã hội có thể lạ lẫm trên toàn thế giới, nhưng lại là việc "cơm bữa" ở Trung Quốc. Năm 2023, CEO của hãng xe Wuling từng mời Xin Youzhi, hay Xinba - người được ví như "ông hoàng livestream" với hơn 90 triệu lượt theo dõi - bán ôtô cho hãng.
Khách hàng mua xe qua buổi livestream của Xinba được hỗ trợ 700 USD từ hãng, và gần 300 USD từ chính Simba. Khoản tiền gần 1.000 USD giảm giá cho một chiếc ôtô có giá chỉ khoảng 4.500 USD là một món hời, với 5.000 xe được bán ngay trong buổi livestream. Quá trình đơn giản hơn nhiều so với việc đi ra đại lý, khi chỉ cần thanh toán, và xe sẽ được giao tận nhà.
Tuy nhiên, không phải xe nào bán qua các buổi livestream cũng nhanh gọn như thế. Phần lớn khách hàng sẽ đặt cọc online, sau đó vẫn đến các đại lý để trực tiếp xem xe trước khi "chốt đơn", thanh toán đầy đủ và nhận xe.
Trung Quốc là một trong những nước phát triển thương mại điện tử với tốc độ chóng mặt, nhanh bậc nhất thế giới. Đặc biệt từ sau covid-19, các nhà bán lẻ ở quốc gia này đổ xô thuê người nổi tiếng trên mạng để livestream bán hàng. Các chuyên gia của McKinsey nhận định không nơi nào có quy mô livestream bán hàng lớn như tại Trung Quốc, theo CNBC. Mức độ cởi mở trong việc đón nhận cách bán hàng qua mạng là yếu tố cốt lõi giúp biện pháp này thành công. Thậm chí hiện nay, người xuất hiện trong các video không phải người thật, mà là sản phẩm của AI.
Với xu hướng này, ôtô cũng không phải ngoại lệ. Giá xe, đặc biệt của các hãng nội địa, nếu so với thu nhập đang lên nhanh của người dân Trung Quốc là không quá chênh lệch, nên chiếc xe không còn là sản phẩm xa xỉ, đặc biệt các mẫu xe chỉ có giá khoảng 10.000-20.000 USD. Việc dễ dàng tiếp cận và mua sắm, khiến kiểu bán xe này trở nên phổ biến, dù thực tế người dùng vẫn cần chạy thử mới quyết định ký hợp đồng.
Các ngày hội xe, như triển lãm ôtô Bắc Kinh vì thế trở thành nơi lý tưởng cho livestream bán xe. Trong không gian có tổng diện tích khoảng 220.000 m2, với khoảng 700 đơn vị tham gia và dự kiến thu hút 600.000 lượt người xem, có tới 117 màn ra mắt xe, so với 93 xe tại triển lãm ôtô Thượng Hải năm 2023. Tổng cộng 278 mẫu xe năng lượng mới được trưng bày, theo Reuters.
Thị trường ôtô Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt trong đầu năm nay. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ôtô con Trung Quốc (CAAM), trong quý I, số xe được sản xuất và bán ra lần lượt là 5,609 triệu và 5,687 triệu xe, mức tăng tương ứng là 6,6% và 10,7% so với năm trước. Trong đó, số xe năng lượng mới (hybrid và thuần điện) được sản xuất và bán ra lần lượt là 2,115 triệu và 2,09 triệu xe, tăng tương ứng 28,2% và 31,8% so với quý I/2023.
Theo vnexpress