+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google

Loạt xe Toyota liên quan đến bất thường của Daihatsu thoát ‘án treo’

Cập nhật: 17:30 05/03/2024
Nhờ chủ động khắc phục hậu quả, Toyota đã bắt đầu có được kết quả tích cực đầu tiên sau những bất thường về quy trình thử nghiệm gần đây.
 
Toyota nối lại giao xe sau những bất thường
 
Ngày 28/2, Daihatsu - thương hiệu con của Toyota - đã được Bộ đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) của Nhật phê duyệt cho nối lại việc sản xuất tất cả dòng sản phẩm tại nhà máy chính ở Ikeda từ ngày 15/3. Một số nhà máy khác tại Ryuo, Oyamazaki và Nakatsu cũng được cho phép sản xuất trở lại một số dòng xe như Toyota Raize (Daihatsu Rocky, Subaru Rex), Toyota Probox, Daihatsu Mira e:S… từ ngày 4/3, 12/2 và 26/2. Những xe này đã được Bộ xác nhận đạt tiêu chuẩn giao thông đường bộ dựa trên kết quả thử nghiệm với sự tham dự của cơ quan chứng nhận.
 
 
Toyota Raize, Daihatsu Rocky (bản xăng), Subaru Rex được giao lại xe từ tháng 3
 
Trước đó, vào ngày 27/2, những mẫu xe sử dụng động cơ diesel từng có liên quan tới sự cố gian lận thử nghiệm của Tập đoàn Công nghiệp Toyota (TICO) gồm Hiace, Ace, Granace và Land Cruiser (LC300) cũng được MLIT dỡ bỏ lệnh ngừng giao xe. Dây chuyền sản xuất các dòng xe trên sẽ đi vào hoạt động từ ngày 4/3 tới. Hoạt động liên quan tới dòng Hilux sản xuất tại Thái Lan cũng sẽ bình thường trở lại từ ngày 4/3.
 
Trong cuối tháng 2, nhiều tín hiệu tích cực cho thấy tập đoàn mẹ Toyota đang đi đúng hướng khi nhanh chóng đối mặt trực tiếp và khắc phục hậu quả sau bê bối. Các mẫu xe của Toyota qua đó một lần nữa được chứng nhận lại chất lượng cho người tiêu dùng.
 
Để có được kết quả này là những ngày tháng “bù đầu” xử lý khủng hoảng của đội ngũ lãnh đạo tập đoàn Nhật. Toyota được đánh giá là đã rất chủ động và nhanh nhạy khi rà soát các sản phẩm từ tháng 4 tới tháng 12/2023 để tìm lỗi. Ở thời điểm mà người người, nhà nhà đếm ngược từng ngày đón năm mới thì Toyota phải liên tục hành động để xử lý từng vấn đề còn tồn tại từ bê bối của Daihatsu.
 
Cách xử lý khủng hoảng khác biệt
 
Có lẽ hiếm có trường hợp nào đặc biệt như Toyota trên thị trường ô tô, khi chính hãng mẹ “bóc” lỗi sai của thương hiệu con và vấn đề từ quy trình nội bộ của hãng. Đích thân ông Akio Toyoda - Chủ tịch Tập đoàn Toyota, ông Koji Sato - Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Toyota và ông Masahiro Inoue - tân Tổng giám đốc Daihatsu nhận sai và nói lời xin lỗi trước công chúng.
 
Sau khi nắm thông tin về những bất thường trong quy trình thử nghiệm an toàn của Daihatsu, Toyota đã chủ động cho lập ra một uỷ ban độc lập thuộc bên thứ 3 để đánh giá sự cố sao cho khách quan và chính xác nhất. Uỷ ban này gồm các thành viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau như luật sư, cựu chủ tịch tòa án Tokyo, chủ tọa tòa án tối cao Tokyo, giám đốc Hiệp hội mạng thông tin ô tô Nhật Bản… Nhiều mẫu xe bị gọi tên và đã bị dừng sản xuất kịp thời để xử lý. Có mẫu chưa được bán ra thị trường.
 
Bên cạnh đó, Toyota còn biến chính sự cố thành đòn bẩy để thay đổi chính mình.
 
Về mặt quản lý, sau khi bê bối xảy ra, tập đoàn Nhật Bản đã mạnh tay thay đổi bộ máy lãnh đạo của Daihatsu. 5 lãnh đạo lớn của Daihatsu từ chức, 3 nhân vật mới được thay thế vào những vị trí chủ chốt như Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc cấp cao và Giám đốc. Những lãnh đạo mới này sẽ đảm nhiệm trọng trách giám sát hoạt động, quản lý chất lượng và cải cách văn hoá doanh nghiệp để không cho phép những vấn đề tương tự xảy ra trong tương lai.
 
 
Buổi họp báo chung giữa Toyota và Daihatsu hôm 13/2
 
Về mặt sản phẩm, Daihatsu được Toyota chỉ định tập trung vào các dòng phương tiện cỡ nhỏ, giá cả phải chăng và tất nhiên phải có chất lượng cao. Việc tách biệt định hướng này vừa giúp hãng Nhật dễ dàng quản lý và phát triển sản phẩm, vừa giúp khách hàng dễ dàng chọn lựa những dòng xe phù hợp nhất với nhu cầu.
 
Nhiều chuyên gia nhận định rằng cách xử lý khủng hoảng khác biệt này của Toyota đã giúp hãng xe Nhật nhanh chóng có được kết quả tích cực như nối lại hoạt động sản xuất và bàn giao xe. Với bộ máy mới và quy trình hoạt động mới, Toyota còn được kỳ vọng sẽ bước ra khỏi “vùng an toàn” là sự bảo thủ để thay đổi và lấy lại niềm tin từ khách hàng sau những bê bối.
 
Thậm chí, hãng xe Nhật còn hướng tới một tầm nhìn lớn hơn sau khi cải tổ bộ máy và sửa chữa những sai sót trong quá trình vận hành vừa qua. Trong buổi diễn thuyết đầu năm nay, ông Akio Toyoda cho biết rằng Toyota sẽ tiếp tục kế thừa hoài bão của thế hệ trước với cốt lõi là một doanh nghiệp về giải pháp di chuyển sẽ mang đến nụ cười cho mọi người trên khắp thế giới. Ông nhấn mạnh về một tương lai, nơi mà thế hệ trẻ có thể tự do mơ ước.
 
Theo autopro
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin đã lưu
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Duy trì đăng nhập
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên truy cập
Email
Gửi Đóng