Các hãng ô tô Trung Quốc kết thúc năm 2023 bằng những con số kỷ lục, nhưng chẳng mấy công ty vui mừng vì điều đó. Vậy chuyện gì đang diễn ra?
Tờ Nikkei Asian Review cho hay mặc dù Trung Quốc vượt Nhật Bản trong năm 2023 về số xe hơi xuất khẩu nhưng các hãng sản xuất ô tô của nước này lại chẳng có gì nhiều để ăn mừng khi cạnh tranh gay gắt đang làm xói mòn lợi nhuận, còn mảng ô tô điện đầy tiềm năng thì lại quá khó khăn.
Bi đát hơn, nhà sáng lập Li Xiang của hãng xe điện Li Auto còn nhận định rằng chỉ 5 công ty ô tô điện trong tổng số 300 nhà sản xuất hiện nay là có thể tiếp tục sống sót. Hiện 3 vị trí tiềm năng nhất đang là Tesla, BYD và Huawei, bởi vậy sẽ chỉ còn lại 2 "suất" cho các hãng khác cạnh tranh.
Phá sản, đóng cửa
Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho thấy quốc gia này đã xuất khẩu 4,41 triệu ô tô trong 11 tháng đầu năm 2023, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn so với 3,99 triệu chiếc của Nhật Bản, qua đó soán ngôi vị số 1 từ thị trường này.
Tính đến tháng 11/2023, doanh số bán xe hơi của Trung Quốc cả trong và ngoài nước lên đến 26,94 triệu chiếc, tăng 10,8% và dự kiến có thể vượt 30 triệu chiếc nếu tính cả năm 2023.
Tuy nhiên báo cáo của hãng Shanghai Automotive Industry Group cho thấy giá xe hơi bình quân tại Trung Quốc đã giảm 8,4% trong năm 2023 sau mức giảm 1,9% của năm 2022 và 1,3% của năm 2021. Điều này cho thấy sự xói mòn lợi nhuận của các hãng xe dù gia tăng được sản lượng bán hàng.
"Kết quả kinh doanh năm 2024 sẽ cho thấy ai là người có thể tồn tại tiếp", giám đốc Liu Luochuan của trung tâm nghiên cứu thuộc hãng quốc doanh Dongfeng Motor ngậm ngùi.
Trả lời Nikkei, nhiều chuyên gia nhận định đà tăng xuất khẩu xe hơi của Trung Quốc không bù đắp nổi cho sự cạnh tranh quá gay gắt trong nước, khiến tăng trưởng doanh số năm 2024 sẽ giảm xuống chỉ còn 3%. Thậm chí, nhiều hãng xe sẽ phải đóng cửa trong năm 2025-2026.
Cũng theo ông Liu, ngành xe hơi Trung Quốc đang tích cực chuyển đổi sang mảng ô tô điện nhưng phần lớn các công ty hiện nay chưa thể phát triển đến quy mô hòa vốn, nói đơn giản là càng làm càng lỗ.
Vị giám đốc của Dongfeng Motor này cho hay chỉ những hãng nào sản xuất được ít nhất 500.000 xe năng lượng xanh/năm (NEV: bao gồm xe điện và Hybrid) trở lên thì mới có khả năng thu hồi lợi nhuận, còn những thương hiệu khác sẽ chỉ có thể cố gắng sinh tồn lay lắt.
Mọi chuyện bắt đầu từ cuối năm 2022 khi chương trình hỗ trợ xe điện của Trung Quốc hết hạn, buộc các công ty phải giảm giá để giữ doanh số, chấp nhận chịu lỗ. Trước đó, doanh số bán xe NEV của Trung Quốc đã tăng 4 lần từ 1,37 triệu chiếc năm 2020 lên 6,89 triệu chiếc năm 2022 nhờ chính sách hỗ trợ từ chính phủ.
Chương trình hỗ trợ từ năm 2009 này của Trung Quốc đã biến nơi đây thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Các ước tính cho thấy chính phủ đã hỗ trợ đến 12.600 Nhân dân tệ trên mỗi xe, tương đương 1.767 USD.
Tờ Nikkei cho hay kể từ năm 2009 đến nay, chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ gần 150 tỷ Nhân dân tệ cho mảng kinh doanh NEV.
Tuy nhiên vào năm 2022, chương trình hỗ trợ này bị cắt giảm 30% và dần chấm dứt, khiến hàng loạt hãng xe điện mới nổi lao đao. Ngoài ra, việc Tesla dìm giá cạnh tranh đầu năm 2023 càng khiến tình hình trở nên thê thảm.
Lợi nhuận mỏng
Theo Nikkei, ngành ô tô luôn là mảng kinh doanh ngốn nhiều tiền vốn và cần nhà sản xuất đạt mức sản lượng nhất định để thu hồi lãi.
Theo giám đốc Liu của Dongfeng, mảng xe xăng truyền thống thường yêu cầu 200.000 chiếc bán ra mỗi năm để các thương hiệu quốc tế có thể sinh lợi nhuận ở Trung Quốc. Với thương hiệu ô tô nội địa thì là 300.000 chiếc.
Tuy nhiên với mảng NEV thì con số đạt mức hòa vốn được cho là 500.000 chiếc/năm khi chi phí sản xuất ắc quy cũng như công nghệ mới chưa thể giảm nhanh chóng trong thời gian ngắn. Hiện chỉ một số thương hiệu lớn như Tesla, BYD, CAC Aion và Li Auto là gần đạt đến quy mô trên.
Trong 11 tháng đầu năm 2023, doanh số bán NEV tại Trung Quốc đã tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8,3 triệu chiếc, tương đương 30,8% trong tổng số 26,89 triệu ô tô được bán ra. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định mức tăng trưởng doanh số năm 2024 của NEV sẽ chỉ còn 22,3%.
Đứng trước tình hình bão hòa trong nước, các doanh nghiệp xe hơi Trung Quốc đương nhiên phải tìm đến xuất khẩu để duy trì tăng trưởng nhằm đạt quy mô lợi nhuận và sống sót.
Hiệp hội CAAM dự đoán Trung Quốc sẽ xuất khẩu đến 5,5 triệu xe hơi trong năm 2024 với tỷ trọng khá lớn là xe điện. Tuy nhiên, những vấn đề địa chính trị đang khiến tham vọng bành trướng xe điện của Trung Quốc gặp nhiều thách thức.
Tờ Nikkei cho hay Nga đang là thị trường nhập khẩu xe xăng lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2023. Tính trong 10 tháng đầu năm ngoái, Trung Quốc đã xuất khẩu 736.000 ô tô sang Nga, cao hơn gấp 4 lần so với cả năm 2022.
Dẫu vậy vì thị trường Nga đang dần bão hòa nên theo chuyên gia Shu Xueming của Chery Automobile, cạnh tranh ở đây sẽ ngày càng khốc liệt cho các hãng ô tô Trung Quốc. Bên cạnh đó, khí hậu mùa đông khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng còn hạn chế là những trở ngại lớn cho các thương hiệu xe điện muốn mở rộng thị phần.
Theo autopro