Nhiều người mua xe điện cảm thấy thường xuyên bị đại lý làm thất vọng dẫn tới đánh giá của họ cũng thấp hơn nhiều so với người dùng mua xe xăng phổ thông.
Widewail là một công ty quản lý đánh giá và danh tiếng sản phẩm tới từ Mỹ. Sau khi thu thập dữ liệu về hơn 800.000 đánh giá trên Google về đại lý xe, họ phát hiện ra rằng người mua xe điện phàn nàn nhiều hơn người mua xe xăng đáng kể.
Theo dữ liệu được họ công bố, có 7% người mua xe xăng đánh giá đại lý 1 sao vì trải nghiệm tệ. Tỉ lệ này với người mua xe điện là cao gấp đôi (14%). Với các hãng xe giao xe trực tiếp cho người dùng mà không cần đại lý (như Tesla), tỉ lệ bị chấm 1 sao còn lên tới 25%.
Xe điện nhìn chung đang mang lại trải nghiệm thấp hơn ở mảng dịch vụ so với xe xăng thể hiện qua đánh giá toàn cầu đã được thu thập. Ảnh: Carscoops
Một thông số đáng chú ý khác mà Widewail nhận thấy là người mua xe điện ít khi để lại đánh giá hơn đáng kể. Lấy ví dụ, một trung tâm bán lẻ và dịch vụ của Tesla có 2,6 đánh giá trung bình mỗi tháng. Mức trung bình toàn thị trường là 9,6.
Để lý giải những số liệu trên, có thể sự chênh lệch tới từ việc người dùng xe điện không mấy khi phải quay lại đại lý. Dòng xe này yêu cầu bảo trì, bảo dưỡng ít hơn đáng kể xe xăng. Tuy nhiên, nếu có hỏng hóc hay cần thay thế linh kiện gì đó, số tiền người dùng phải bỏ ra để khắc phục là lớn hơn đáng kể.
Ngoài ra, với những thương hiệu bán trực tiếp xe tới người dùng, việc không có nhân viên bán hàng tốt cũng khiến họ mất đi điểm số đánh giá. Hơn nửa số đánh giá tích cực, theo phát hiện của Widewail, nhắc về trải nghiệm mang tới bởi nhân viên.
Việc một số hãng xe trực tiếp bàn giao cho khách mà không thông qua đại lý có lợi nhưng cũng có hại tới trải nghiệm mua. Ảnh: Carscoops
Dù vậy, đây cũng là một nguồn trừ điểm lớn với người dùng nếu nhân viên có thái độ không tốt theo như phần lớn phản hồi tiêu cực được Widewail thu thập.
Một số phàn nàn còn lại của người dùng xe điện bao gồm sửa không hết lỗi, chi phí đắt đỏ như đã nhắc tới phía trên và thời gian chờ lâu.
Theo autopro