+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google

Nissan X-Trail - lợi thế nào để đấu CX-5 tại Việt Nam

Cập nhật: 11:33 09/01/2018

Mẫu crossover 5+2 tập trung vào công nghệ an toàn và tiện nghi giữa một thị trường mà các đối thủ đang lấn lướt bằng giá.

Phân khúc crossover cỡ C trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hãng xe theo xu hướng chung toàn thế giới. Tại Việt Nam, Trường Hải nhanh chân hơn cả khi áp dụng chiến thuật giá từ sớm để chiếm thị phần. Những cái tên còn lại buộc chạy theo và cuốn vào vòng xoáy giá. Nissan X-Trail thì chọn cách khác khi ra mắt hơn một năm trước, tập trung vào thế mạnh công nghệ.

X-Trail phù hợp với nhiều loại đường sá.

Vẻ ngoài của X-Trail có đủ nét cá tính để tạo lập trường phái riêng. Nếu CX-5, Tucson thiên hẳn về thành thị, mượt mà; CR-V thể thao thuần chất và nam tính thì X-Trail cân đối, đầy đặn và phảng phất nét chinh phục địa hình ở lưới tản nhiệt chữ V to bản, vòm bánh gân guốc, thêm bộ bodykit Premium L nẹp bên hông, cản trước, đuôi tăng vẻ trường xe.

Phong cách chữ V được các nhà thiết kế của Nissan tuân thủ tuyệt đối trong tạo hình đèn. Dải LED ở đèn pha và đèn hậu là bộ nhận diện chữ V rõ nét nhất cho X-Trail trong đêm tối. Mẫu crossover lắp ráp tại Đà Nẵng đa năng hơn các đối thủ trên bình diện cảm quan. Đặt một chiếc CX-5 vào chân núi đất đá lầy lội giống như cô tiểu thư tham gia du lịch sinh thái, nhưng X-Trail nằm đó thì như một anh chàng người địa phương đích thực.

Nội thất X-Trail cũng được vẽ theo cách không bóng bẩy mà tập trung vào công năng. Nếu các đường nét trên bảng táp-lô uốn lượn đủ tạo tò mò thì khu điều khiển trung tâm đơn giản. Cần số dạng thẳng, chân đế bo tròn, màn hình hơi nhỏ trong tổng thể. Bù lại, tài xế có nơi để ví, điện thoại thoải mái phía trước cần số, không phải loay hoay để chung vào nơi đặt cốc như các xe khác trong phân khúc. Cabin của X-Trail sẽ ưng ý người thích lên xe và lái, nhưng đối với người đề cao hình thức thì hơi trượt nhịp.

Tài xế không mất nhiều thời gian để làm quen với X-Trail vì tất cả các phím chức năng đều dạng cứng, có gì đều khoe hết. Ngược lại, lượng tiện nghi lại có nhiều đất để khám phá. Trên bản SV Premium L ghế da ôm người mềm mại không kém các phân khúc cao cấp, chỉ màu sắc chưa được tinh tế bằng, đi cùng công nghệ mà Nissan gọi là "không trọng lực" hỗ trợ xương sống.

Nội thất cơ bản.

Nissan đưa vào thiết kế 5+2 cho X-Trail để rồi sau đó Mitsubishi Outlander và Honda CR-V cũng gắn công thức này. Với nhu cầu di chuyển gia đình thường xuyên của người Việt, 5+2 là một điểm cộng. Hàng ghế thứ ba của X-Trail thích hợp cho người có vóc dáng nhỏ hoặc trẻ em do đặc thù kích thước của mọi mẫu xe cỡ C.

Tích hợp trên xe là khởi động nút bấm, vô-lăng ba chấu bọc da với chi chít nút chức năng. Điều hòa tự động hai vùng có cửa gió cho hàng ghế sau, màn hình giải trí 6,5 inch kết nối USB, AUX, Bluetooth đàm thoại rảnh tay, điều khiển bằng giọng nói. Gương chiếu hậu tự động chống chói, cửa sổ trời, hệ thống âm thanh 6 loa.

Bản cao cấp 2.5 SV sử dụng động cơ 2,5 lít cho công suất 169 mã lực, mô-men xoắn cực đại 233 Nm. Công suất thấp hơn con số 188 mã lực của CR-V. Dẫn động cho xe là hộp số vô cấp CVT và hệ dẫn động 4 bánh 4WD. Ngoài X-Trail, trong phân khúc còn có CR-V và Outlander cũng sử dụng hộp số CVT.

Cùng xuất xứ Nhật nhưng Nissan luôn có những điều lạ và cá tính hơn so với phần còn lại. GT-R đạp đổ những chuẩn mực truyền thống về siêu xe mà các ông lớn châu Âu gây dựng cả đời. Chiếc sedan Teana khi xuất hiện tại Việt Nam khoảng 2010-2011 tạo làn sóng mới, một tập khách hàng riêng giữa lúc Camry vẫn là chuẩn mực ôtô với khách Việt.

X-Trail cũng làm những điều tương tự. Khi các đối thủ chìm ngập trong options, giá thì Nissan giới thiệu thông tin đầu tiên của X-Trail đến với khách hàng là gói công nghệ an toàn kiểm soát khung gầm chủ động ACC từ hệ thống lái, phanh, vào cua. Cụ thể ARC là kiểm soát lái giúp xe dao động ít hơn khi đi đường gồ ghề; AEB kiểm soát phanh động cơ chủ động giúp giảm bớt thời gian phanh trong các trường hợp khẩn cấp. Cuối cùng ATC vào cua chủ động sẽ kiểm soát bốn bánh tránh mất bám khi vào cua.

Nỗ lực của Nissan giúp chiếc crossover ổn định, cân bằng thấy rõ nhất là khi đi đường trơn trượt và nhiều cua. Vô-lăng trợ lực điện của X-Trail vừa đủ để tài xế dễ thao tác, không gặp khó khăn, tuy chưa đạt tới độ chính xác và năng động như CR-V.

Bộ bodykit Premium L nhìn trường xe hơn.

Nếu khi bạn nhận chiếc X-Trail, ai đó đi trước đã tắt chế độ Eco thì cần cẩn thận chân ga. Ở điều kiện bình thường, phản ứng chân ga với hộp số CVT gần như ngay lập tức. Tài xế có thể giật mình nếu vừa ngồi lên X-Trail và nghĩ đang lái một mẫu xe đô thị nhẹ nhàng. Để phù hợp đi phố, hãy kích hoạt chế độ Eco để chân ga lơi mềm hơn, phản ứng chậm hơn vì thế mượt và không giật cục. Chức năng camera 360 độ hữu ích giờ tan tầm.

Duy trì tốc độ tới 90 km/h dù ở chế độ Eco hay không động cơ cũng duy trì vòng tua ngưỡng 1.500 vòng/phút. Sự khác biệt đến khi muốn vượt. Tắt Eco, dúi chân phải, vòng tua dựng ngược lên 2.500 rồi 3.000, xe lao đi ngay không chút do dự, liền một mạch từ 70 lên 120 km/h. Hộp số CVT nên không có những cú hẫng quen thuộc khi thốc ga như hộp số có cấp. Kiểm soát hành trình (cruise control) sẽ hỗ trợ tối đa khi đi cao tốc.

Chạy đường trường mới chỉ là một phần trong những tính năng mà X-Trail cung cấp, núm xoay chuyển cầu đem lại khác biệt so với các đối thủ. Xe có 3 chế độ là 2WD, Auto và Lock. 2WD là dẫn động 100% cầu trước, Auto là tùy mặt đường, xe tự tính toán để phân phối mô-men xoắn đến hai cầu theo tỷ lệ khác nhau và Lock là chế độ khóa vi sai trung tâm, khi đó mỗi cầu trước-sau đều nhận 50% lực kéo.

Ở những nơi mặt đường xấu, Auto là lựa chọn thích hợp nhất vì không phải suy nghĩ nhiều, xe sẽ làm tất cả. Những tay lái thích cảm giác việt dã hơn sẽ đưa X-Trail leo núi hay hố sâu và vặn sang 4WD Lock.

Trang bị an toàn cũng là điểm mạnh của X-Trail với chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD và hỗ trợ phanh khẩn cấp BA, cân bằng điện tử VDC, phanh chủ động hạn chế trượt ABLS, kiểm soát độ bám đường TCS. Bản cao cấp 2.5 SV có 6 túi khí, bản thường 4 túi khí.

Lợi thế công nghệ giúp X-Trail nhận những thành công đáng kể ở thị trường Mỹ. Kết thúc 2017, CR-V và X-Trail là hai cái tên xuất hiện trong top 10, trong khi CX-5 không góp mặt. Ở Việt Nam thì ngược lại, CX-5 vượt xa phần còn lại nhờ chính sách giá, X-Trail và các đối thủ mướt mải ở phía sau.

Sang 2018, CX-5 và CR-V lại bắt đầu ngược chiều dòng nước. Giá CX-5 mới 869-999 triệu, CR-V chưa có giá nhưng bản cao nhất hơn 1,1 tỷ. X-Trail lại có giá thấp hơn các đối thủ, mức 859-986 triệu cùng lợi thế công nghệ khác biệt, cơ hội cho mẫu crossover của Nissan sáng sủa hơn so với 2017.

Theo VnExpress

Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin đã lưu
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Duy trì đăng nhập
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên truy cập
Email
Gửi Đóng