Ngay bên dưới màn hình cảm ứng trung tâm, người sử dụng có thể lắp thêm phần điều khiển cơ gồm các nút bấm và một núm xoay.
Mẫu xe điện SU7 xuất xưởng với giao diện điều khiển hoàn toàn cảm ứng, nhưng khách hàng có thể lắp thêm hệ thống nút bấm vật lý nếu muốn. Có nghĩa, nếu hài lòng với công nghệ cảm ứng, người sử dụng không cần lo nghĩ gì thêm. Nhưng với người khó chịu với công nghệ chạm, họ vẫn có lựa chọn với loại phụ kiện do chính hãng cung cấp.
Cách thiết lập này đã được chính nhà đồng sáng lập Xiaomi Lei Jun giới thiệu tại sự kiện ra mắt SU7 vào cuối tháng 12/2023.
Màn hình tiêu chuẩn và có lắp thêm bộ bàn phím. Ảnh: Xiaomi
Theo đó, nội thất của chiếc xe điện là dạng môđun và là một phần của cuộc sống số ngày nay. Các thiết bị điện tử và điện thoại thông minh của Xiaomi có thể tích hợp với chiếc xe giống như khi các tài xế vẫn sử dụng Apple CarPlay hay Android Auto, nhưng Xiaomi đi xa hơn với những đặc điểm phần cứng nhằm tăng sự tiện nghi hay bổ sung tính năng.
Trong số đó, màn hình trung tâm cũng là một môđun, nhưng ở 4 cạnh có nam châm. Một cụm nút bấm dạng phím đàn piano kèm một núm xoay được gọi là bộ bàn phím có thể gắn vào bên dưới màn hình.
Xe điện SUV7 của Xiaomi tại Trung Quốc. Ảnh: IThome
Với nhiều tài xế xe điện Trung Quốc, các nút bấm vật lý thường chỉ có trên các mẫu xe đời cũ, trong khi dạng màn hình cảm ứng cỡ lớn ngày càng thịnh hành. Tuy nhiên, vẫn có những lý do để không phải ai cũng thích giao diện kiểu này. Giải pháp của Xiaomi dường như mang lại lựa chọn cho cả hai trường phái mà không ảnh hưởng đến thiết kế nội thất.
Theo vnexpress