Chủ tịch hội đồng quản trị Toyota cho rằng toàn ngành đang nhận ra xe điện không phải giải pháp duy nhất cho việc cắt giảm khí thải.
Akio Toyoda - người đã rời khỏi vị trí CEO kiêm chủ tịch tập đoàn và hiện đảm nhiệm vị trí chủ tịch hội đồng quản trị - từ lâu đã nói rằng ngành công nghiệp ôtô nên phòng ngừa rủi ro bằng cách tiếp tục đầu tư vào dòng xe hybrid xăng-điện cùng những lựa chọn khác ngoài xe điện.
Hôm 25/10, với tư cách người đứng đầu Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản, Toyoda trả lời "Mọi người cuối cùng cũng nhận ra thực tế" khi được hỏi về những thách thức với xe điện, gồm cả việc nhu cầu giảm tại Mỹ cũng như cuộc chiến giá xe ở Trung Quốc.
Lúc này, doanh số xe điện có dấu hiệu giảm ở Mỹ, và ngày càng nhiều người đang bị hút sang dòng xe hybrid. Akio được cho là có thể đang tận hưởng khoảnh khắc giống như khi ai đó muốn nói với người khác câu "Tôi đã nói rồi".
"Có nhiều cách để trèo lên ngọn núi để đạt mục tiêu trung hòa carbon", Toyoda nói với các phóng viên tại triển lãm ôtô đang diễn ra ở Tokyo, Nhật Bản. Sự kiện vốn diễn ra hai năm một lần vừa được tổ chức trở lại sau một kỳ bị hoãn do dịch bệnh.
Mẫu concept Toyota FT-Se tại Japan Mobility Show 2023 đang diễn ra ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Automotive News
Từ Tesla đến Ford, trong những tháng vừa qua, các hãng xe đều đưa ra những cảnh báo về việc nhu cầu giảm đột ngột với xe điện - dòng sản phẩm vốn đắt hơn ôtô động cơ đốt trong và cần phải được sạc thường xuyên - khía cạnh mang đến những thách thức đối với một số người sử dụng.
Lãi suất cao cũng khiến xe điện trở nên khó tiếp cận với nhiều người, và dù có những đợt giảm giá, số hàng tồn kho bắt đầu tăng dần tại các đại lý.
Sự quan tâm giảm dần là tín hiệu đáng lo cho một ngành công nghiệp đang đốt hàng tỷ USD vào các nhà máy mới để sản xuất xe điện và pin, đồng thời đang phải đối mặt với những quy định ngày càng khắt khe về khí thải trên toàn cầu.
Động thái mới nhất của các hãng xe cho thấy họ đang đi ngược với xu hướng, là khi General Motors (GM) và Honda đều nói trong ngày 25/5, rằng họ đang từ bỏ quan hệ đối tác đã hình thành cách đây hơn một năm để phát triển một dòng xe điện giá thấp.
Hai bên từng dự kiến sản xuất hàng triệu xe sử dụng loại pin Ultium của GM, công nghệ riêng mà hãng Mỹ từng quảng bá như bộ xương sống về mặt cơ khí của xe điện tương lai.
Các nhà quản lý của GM cũng nói đang phát triển các mẫu xe điện phải chăng, mở rộng quy mô với công nghệ pin, gồm cả việc thông qua đối tác với các hãng xe khác như một cách giúp giảm chi phí.
Nhưng cũng trong tuần này, GM đã từ bỏ mục tiêu tự đề ra là sản xuất 400.000 xe điện đến hết nửa năm 2024, đổ lỗi cho sự tăng trưởng bấp bênh trên thị trường xe điện và rằng hãng cần đảm bảo mình có thể làm ra các mẫu xe mới mang lại lợi nhuận.
Các hãng xe Nhật, nổi bật nhất là Toyota, từng nói nhiều về những thách thức mà xe điện phải đối mặt trong tương lai gần, gồm chi phí cao, khó khăn về nguồn cung, và hạ tầng sạc hạn chế.
Ở Trung Quốc, thị trường ôtô lớn nhất thế giới tính theo doanh số, các hãng xe phương Tây cũng như các hãng Nhật lại đối mặt với một loạt thách thức đặc trưng và cuộc chiến giá xe.
Trong khi các giai đoạn đầu của cuộc cách mạng xe điện đang đứng trước khủng hoảng, Toyota và các hãng khác vẫn chủ yếu dựa vào xe hybrid, nâng cấp công nghệ và học hỏi cách thức hoạt động của những người đi trước, gồm Tesla và BYD. CEO hiện nay của Toyota, Koji Sato, nói hãng sẽ tăng tốc phát triển linh kiện và tối ưu các phương pháp sản xuất xe điện.
Tại triển lãm năm nay, Toyota giới thiệu một loạt mẫu concept điện, với nhiều xe trong đó sẽ không có mặt ở các showroom cho đến cuối thập kỷ này. Trong số này, hai mẫu concept điện dự kiến ra mắt sau 2026, cùng một chiếc bán tải điện và một phiên bản của Land Cruiser có thể bán ra trong ít năm tới.
Các mẫu concept tại gian hàng của Toyota ở Japan Mobility Show. Ảnh: Nikkei
Ở những gian hàng khác cũng có các mẫu xe điện mới. Liên doanh của Honda và Sony trưng bày phiên bản prototype của mẫu Afeela điện dự kiến giao xe trong 2026. BYD, Mercedes và BMW cũng mang đến những mẫu xe chạy pin mà khách hàng đã có thể mua ngay ở một số thị trường.
Với sự chậm chạp hơn so với các đối thủ, các thương hiệu Nhật bị chỉ trích vì không bắt kịp làn sóng chuyển dịch sang xe điện đúng lúc và đúng cách.
Nhưng có một tín hiệu vui cho Toyota: hãng đi đầu về doanh số ở Bắc Mỹ tại thị trường xe hybrid và đang nỗ lực làm ra nhiều xe nhất có thể. Tháng 9, Toyota chỉ đủ xe Prius hybrid bán trong một tuần, so với lượng cung cấp trong hơn 2 tháng của mẫu SUV điện bZ4X.
Doanh số xe điện tăng 49% trên toàn cầu trong nửa đầu năm, nhưng chưa bằng mức tăng trưởng 63% của năm trước, theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys. Trong tổng số xe điện, 55% bán ở Trung Quốc, nơi các hãng xe nước ngoài đang ngày càng bị bào mòn bởi các nhà sản xuất nội địa.
Tại Mỹ, một số đại lý nói rằng làn sóng khách hàng mua xe đầu tiên từng sẵn lòng chi tiền cho một chiếc xe điện đã đi qua, và số khách hàng còn lại đang nản lòng bởi mức giá cao và lựa chọn hạn chế của xe điện.
Tuần trước, GM nói đang hoãn lại việc mở cửa một nhà máy sản xuất bán tải điện ở bang Michigan. Wall Street Journal từng đưa tin, rằng Ford đang cân nhắc cắt giảm ca làm việc tại nhà máy nơi đang sản xuất mẫu bán tải điện F-150 Lightning do nhu cầu giảm.
Trong khi đó, doanh số xe hybrid cũng tại Mỹ lại rất khả quan, tăng trưởng với tốc độ cao hơn so với thị trường ngoài Mỹ. Điều này đã thúc đẩy các hãng xe khác, như Ford và Nissan, chuyển thêm nguồn lực để quảng bá các mẫu hybrid và hybrid sạc điện mà họ đang bán.
Toyoda nói các mẫu concept tại triển lãm đang diễn ra ở Tokyo là sản phẩm của các hãng xe Nhật Bản đã dành thời gian để làm việc với các hãng sản xuất pin, và cho thấy suy nghĩ của họ về khả năng của xe điện là gì. Toyoda thêm rằng sức mạnh của ngành công nghiệp Nhật Bản trong kỷ nguyên xe điện sẽ đến từ việc sản xuất thực tiễn "qua một thời gian dài và từ những trải nghiệm của việc thất bại".
Theo autopro