Những thay đổi trong thiết kế và công nghệ giúp Toyota kỳ vọng thay đổi vị thế hiện tại của Hilux tại thị trường bán tải Việt Nam.
Về nước vào thời điểm tháng 10, đón đầu mùa mua sắm cuối năm, Hilux mang những thay đổi lớn. Không chỉ Toyota, các hãng nhìn thấy và coi trọng tiềm năng phân khúc bán tải ở Việt Nam, khi lần lượt những Chevrolet Colorado, Nissan NP300 Navara hay Mitsubishi Triton phiên bản mới đều có mặt trước đó.
Phiên bản mới nâng cấp thiết kế trẻ trung, hiện đại hơn. Lưới tản nhiệt cứng cáp với hai thanh ngang chứ không phải 3 thanh như trước, đèn pha vuốt gọn gàng hơn. Hốc hút gió chính giữa hình thang mở rộng, xoay lên chứ không úp ngược. Hai hốc đèn sương mù sâu, rộng hơn như trên các mẫu xe thể thao.
Đèn LED chạy ban ngày, chắn bùn rộng hơn, vành hợp kim mới, tay nắm cửa và nắp gương mạ crôm. Nội thất sử dụng màn hình cảm ứng phong cách chiếc bàn, cụm đồng hồ sửa đổi, vô-lăng 3 chấu tích hợp nút bấm.
Tiện nghi cabin trên phiên bản cao nhất gồm điều hoà tự động một vùng, khởi động bằng nút bấm, ghế lái chỉnh điện 8 hướng, cửa gió điều hoà hàng ghế sau, chiều dài đệm ngồi gia tăng. Chiếc bán tải tiện dụng hơn cho người dùng với móc treo đồ, ngăn để đồ làm mát, ngăn để đồ hàng ghế sau.
Tuy nhiên có những chi tiết "rất Toyota" như màn hình cảm ứng trên phiên bản cao cấp ở Thái Lan được thay bằng đầu đĩa CD đơn sơ giống như của Altis. Nhiều chi tiết không được trang bị nên còn nhiều nút chờ.
Toyota bán Hilux tại Việt Nam với 3 phiên bản gồm 2 động cơ. Cụ thể Hilux E lắp động cơ 2,5 lít công suất 142 mã lực, mô-men xoắn cực đại 343 Nm, kết hợp cùng hộp số sàn 6 cấp. Hai bản Hilux G số sàn và tự động lắp cỗ máy 3 lít công suất 161 mã lực tại vòng tua máy 3.400 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 343 Nm ở bản số sàn 6 cấp và 360 Nm ở bản số tự động 5 cấp.
Phiên bản 3.0 sử dụng gài cầu điện tử với công tắc gài cầu thay cho loại cần trước đây, khoá vi sai cầu sau. Hãng xe Nhật cũng cho biết mở rộng tỷ số truyền nhằm tăng mô-men xoắn ở tốc độ thấp, tăng sức kéo.
Công nghệ an toàn cho Hilux 2016 bao gồm chống bó cứng ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, hỗ trợ phanh khẩn cấp BA. Bản 3.0G tự động có thêm cân bằng điện tử TSC, kiểm soát lực kéo chủ động TRC, khởi hành ngang dốc HAC và cảnh báo phanh khẩn cấp EBS. Hai bản 2.5E và 3.0G số sàn có 3 túi khí, trong khi bản 3.0G tự động có 7 túi khí.
Toyota kỳ vọng bán 300 xe Hilux mỗi tháng, với các mức giá gồm 2.5E giá 693 triệu, 3.0G số sàn 809 triệu và 3.0G số tự động giá 877 triệu. Mức giá này tương đương Ford Ranger nhưng mẫu bán tải Mỹ nhiều lựa chọn hơn, từ 616-900 triệu.
Hilux là đứa con cá biệt của Toyota tại Việt Nam, trong khi hầu hết những mẫu xe khác tận dụng thành công sức mạnh thương hiệu của hãng để nằm top ở mỗi phân khúc, thì Hilux lại lẹt đẹt trong dòng bán tải.
Hilux 2016 xuất hiện lần đầu tại Thái Lan hồi cuối tháng 5. Đất nước chùa vàng có thị trường bán tải lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ. Ở đây Hilux thường xuyên là mẫu xe bán chạy nhất hàng tháng, với thị phần khoảng 15%. Trong khi ở Việt Nam hoàn cảnh xoay chiều hoàn toàn, doanh số Hilux chỉ bằng một phần năm Ranger.
Thị trường với 7 mẫu xe không nhiều, nhưng Hilux "cô đơn" khi 6 mẫu xe còn lại thành 3 cặp phân chia rõ vị thế. Anh em Ford Ranger và Mazda BT-50 chiếm ngôi đầu, Mitsubishi Triton và Nissan Navara ở giữa, chót bảng là Chevrolet Colorado và Isuzu D-Max.
Qua 8 tháng năm 2015, doanh số của Hilux là 888 xe, chỉ cao hơn Colorado và D-Max, trong khi Ranger là 4.154 xe, gấp gần 5 lần. Khách hàng đắn đo nhiều giữa Ranger và BT-50 chứ không cân nhắc nhiều tới Hilux.
Nhược điểm cố hữu của mẫu xe Toyota là máy yếu, ồn, trang bị ít như một mẫu xe tải chở hàng thực thụ, trong khi khách hàng Việt mong muốn nhiều hơn thế, một chiếc bán tải có thể chạy phố và đường trường. Chính vì thế Ranger và BT-50 trở thành những người dẫn đầu.
Phiên bản mới với những cải tiến về thiết kế, không gian tiện nghi nội thất cùng hàng loạt những công nghệ hỗ trợ trên bản cao cấp mang tới kỳ vọng cho Hilux tại thị trường Việt bên cạnh lợi thế giá bán lại.
Theo VnExpress