Nắm rõ cách điều chỉnh hệ thống điều hòa, chế độ lấy gió và một số mẹo nhỏ khác... sẽ giúp lái xe khắc phục được hiện tượng kính ô tô bị mờ khi lái xe trong thời tiết mưa ẩm.
Kính lái dễ bị hơi nước làm mờ khi lái xe dưới trời mưa
Hiện tượng kính lái, kính cửa sổ hai bên của xe bị mờ xuất phát từ sự chênh lệch nhiệt độ bên ngoài và trong khoang lái.
Tại Việt Nam, các tài xế thường gặp phải hiện tượng này khi lái xe trong trời mưa hay đi qua những khu vực thời tiết lạnh, độ ẩm cao... Nhiệt độ bên ngoài thấp hơn nhiệt độ trong khoang nội thất cùng với hoạt động của hệ thống điều hòa, hơi ấm tỏa ra từ người ngồi trong xe làm xuất hiện hơi nước ngưng tụ trên bề mặt kính. Điều này làm cản trở tầm nhìn của tài xế, gây khó khăn cho việc điều khiển xe. Một số kinh nghiệm được tổng hợp từ các “tài già” cũng như chuyên gia trong lĩnh vực ô tô sẽ giúp các lái xe khắc phục được hiện tượng hơi nước làm mờ kính.
Nhiệt độ bên ngoài và trong khoang lái chênh lệch làm kính ô tô bị mờ
Bật chức năng sấy kính
Hầu hết những mẫu ô tô hiện nay đều được trang bị chức năng sấy kính. Vì vậy khi phát hiện dấu hiệu kính xe bị mờ do hơi nước ngưng tụ, người dùng nên kích hoạt chức năng sấy kính thông qua nút bấm thường được tích hợp trên bảng điều khiển trung tâm.
Nút bật tắt chức năng sấy kính lái, kính hậu trên ô tô
Khi được kích hoạt, đèn báo trên nút điều khiển sẽ bật sáng để người lái nhận biết chức năng sấy kính đang hoạt động. Lưu ý, khi bật chức năng này nên đóng kính các cửa sổ trên xe, bởi chỉ cần một trong các cửa mở, hệ thống sấy kính sẽ hoạt động không hiệu quả và khó loại bỏ hơi nước trên kính xe. Đây được xem là cách nhanh nhất, đơn giản nhất để khắc phục hiện tượng kính ô tô bị mờ khi lái xe trong trời mưa.
Tuy nhiên, với một số mẫu ô tô đời cũ không được trang bị chức năng sấy kính, người dùng cũng có thể loại bỏ hơi nước ngưng tụ trên kính lái bằng việc điều chỉnh hệ thống điều hòa.
Khi bật chức năng sấy kính nên đóng kín các cửa trên xe
Chỉnh nhiệt độ điều hoà phù hợp
Theo chia sẻ của một số tài xế có kinh nghiệm, khi kính xe bị mờ người dùng nên bật hệ thống điều hòa, từng bước điều chỉnh nhiệt độ để giảm mức chênh lệch với môi trường bên ngoài. Bên cạnh đó nên chọn chế độ lấy gió trong để hơi ẩm không lọt vào trong xe, chỉnh các khe cửa gió để hướng gió không thổi trực tiếp vào kính lái hay kính cửa sổ hai bên. Sau ít phút, nhiệt độ cân bằng lượng hơi nước giảm, kính sẽ không bị mờ nữa.
Chỉnh nhiệt độ điều hòa phù hợp
Tuy nhiên, với cách làm này các tài xế chỉ nên áp dụng khi nhiệt độ bên ngoài không quá lạnh. Bởi nếu người dùng đột ngột giảm nhiệt độ điều hoà trên xe về mức cân bằng với nhiệt độ môi trường, sẽ phần làm nào ảnh hưởng đến sức khỏe của người ngồi trên xe.
Bật quạt gió, chuyển sang chế độ lấy gió ngoài
Trong những ngày thời tiết khô hanh, đặc biệt ở các tỉnh miền Bắc... Khi hệ thống điều hòa hoạt động kém hiệu quả, độ lạnh không sâu. Để tránh hiện tượng bị mờ kính, người lái nên bật quạt gió, chuyển sang chế độ lấy gió ngoài và chỉnh các khe điều hướng cửa gió lên kính lái. Cách làm này sẽ góp phần giảm chênh lệch nhiệt độ bên trong và ngoài xe, giúp kính lái không bị mờ.
Người dùng có thể hạ cửa kính để cân bằng nhiệt độ trong khoang lái với bên ngoài
Bên cạnh đó, để tiết kiệm nhiên liệu, một số lái xe còn có giải pháp hạ kính cửa sổ để cân bằng nhiệt độ bên trong xe với bên ngoài. Tuy nhiên cách làm này chỉ phù hợp tại những thời điểm trời không mưa qúa lớn và thời tiết không quá lạnh, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và nội thất của xe.
Dùng bọt cạo râu, chất phụ gia chống bám hơi nước
Ngoài việc sử dụng hệ thống điều hòa, chức năng sấy kính được trang bị trên xe... một số lái xe còn áp dụng phương pháp dùng khăn khô, bọt cạo râu hoặc chất chất phụ gia chống bám hơi nước để lau từng vùng nhỏ trên bề kính xe, kính cửa sổ hai bên của xe. Cách làm này khá cầu kỳ những cũng mang lại hiệu quả giúp kính xe không bị hơi nước ngưng tụ.
Lưu ý, ngoài những cách kể trên, khi phát hiện kính xe bị hơi nước làm mờ, lái xe không nên dùng khăn, giấy để lau mặt trong của kính. Bởi điều này vừa bất tiện, vừa tạo ra những vệt lau trên kính làm giảm tầm nhìn.
Theo Thanh Niên