+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google

8 kinh nghiệm nhớ đời khi sử dụng ôtô ở Việt Nam

Cập nhật: 08:57 06/10/2017

Khi vượt hoặc chuyển làn xử lý ra sao, bật tắt điều hòa thế nào là những chi tiết nhỏ ít tài xế để ý tới.

Tôi học lái xe được khoảng gần chục năm thì cũng vay mượn và sắm được xe riêng. Trước khi có xe tôi từng lái nhiều loại xe từ số sàn đến tự động, từ xe xịn đến bình dân. Sau khi chạy một thời gian và tìm hiểu qua nhiều diễn đàn về ôtô, xe máy, tôi đúc kết chút kinh nghiệm xin chia sẻ về cách dùng xe an toàn tiết kiệm và hiệu quả.

1. Ngồi vào xe hơi: Ở vị trí lái phải điều chỉnh ghế sao cho cảm thấy thoải mái nhất, thao tác chân, tay thuận tiện, không bị cản trở, tầm nhìn tốt. Điều chỉnh gương chiếu hậu bên trong và bên ngoài để có thể quan sát tốt nhất, hạn chế tối đa điểm mù, kinh nghiệm là nên ngồi sao cho đỉnh đầu cách trần xe từ 5 đến 7 cm là được.

2. Lái xe trên đường: Phải tập trung, đó là một yếu tố an toàn quan trọng số một. Quan sát phía trước, phía sau, phán đoán cách xử lý tình huống giao thông của những phương tiện đi cùng chiều và ngược chiều để đưa ra quyết định của mình. Nên giữ xe đi ở tốc độ ổn định, tránh tối đa việc để xe lắc, giật khi tăng ga, vào côn, đạp số bằng cách không phóng nhanh, phanh gấp, lạng lách, vừa gây tốn nhiên liệu vừa mòn má phanh, mòn lốp, gây khó chịu cho hành khách trên xe.

3. Vượt hoặc chuyển làn: Không bám quá gần phương tiện phía trước để đảm bảo khoảng cách an toàn khi phanh. Khi vượt hoặc chuyển làn phải quan sát kỹ phía trước, gương chiếu hậu phía sau (cả gương trong và ngoài xe để hạn chế tối đa điểm mù) và phải bật xi-nhan để thông báo tín hiệu xin vượt hoặc chuyển làn cho xe khác, khi thấy an toàn mới tiến hành vượt (chuyển làn).

4. Sử dụng điều hòa và quạt gió: Không nên bật điều hòa nhiệt độ quá thấp so với nhiệt độ bên ngoài, vừa tốn nhiên liệu vừa gây sốc nhiệt khi lên xuống xe. Nên tắt điều hòa khi gần kết thúc chặng đường, tắt điều hòa trước khi dừng xe tắt máy và ngược lại bật điều hòa, quạt gió sau khi nổ máy khởi hành.

Khi đi ở những quãng đường nhiều bụi, không khí ô nhiễm hoặc có mùi, nên bật chế độ lấy gió trong xe và ngược lại bật chế độ lấy gió ngoài khi đi ở đoạn đường thoáng mát, không khí trong lành.

5. Cần gạt nước: Khi kính xe bị mờ và trong điều kiện thời tiết khô, trước khi bật cần gạt nước bạn nên phun nước rửa kính đồng thời bật cần gạt, tránh chỉ gạt không sẽ dễ dẫn đến xước kính do bụi bẩn bám nhiều trên kính.

6. Đỗ trong garage: Đỗ xe trong garage của nhà hay ngoài bãi thì cũng nên khóa và đóng tất cả các cửa kính, vừa đảm bảo an toàn tài sản trên xe, vừa tránh để côn trùng, chuột, ruồi, muỗi... vào xe trú ngụ và cắn phá nội thất.

Nhiều người có thói quen mở cửa kính khi đỗ trong garage của gia đình cho thoáng và hết mùi, tuy nhiên vì những lý do trên cá nhân tôi khuyên nên cân nhắc. Nếu muốn thoáng xe, hết mùi, nên mở tất cả các cửa xe trong khoảng 30 phút đến một giờ đồng hồ khi xe đỗ ở nơi thoáng khí, nắng nhẹ, trong điều kiện thời tiết tốt.

7. Tiếp nhiên liệu: Kinh nghiệm của tôi là nên tiếp nhiên liệu ở những cây xăng có uy tín qua sự đánh giá của mọi người, không bơm quá đầy hoặc quá ít, nên bơm khoảng 4/5 bình nhiên liệu và đặc biệt nên bơm nhiên liệu vào lúc sáng sớm, chiều tối hoặc vào thời điểm có nhiệt độ thấp nhất trong ngày do xăng dầu lạnh thể tích sẽ co lại, bơm vào lúc này sẽ có lợi nhất.

8. Sổ nhật ký xe: Nên có một cuốn sổ nhật ký nho nhỏ để ghi chép và theo dõi chế độ vận hành, thay thế, bảo dưỡng xe. Sổ có thể ở dạng bảng và gồm các nội dung sau như thứ tự, thời gian, tại số km, nội dung thay thế bảo dưỡng, địa điểm thay thế bảo dưỡng, số tiền, ghi chú...

Khi đọc sổ này sẽ đánh giá được chất lượng của các chi tiết đã thay thế, chủ động về nguồn tiền, thời gian trong việc thay thế, bảo dưỡng vì bạn biết chi tiết này của xe được thay từ bao giờ. Dầu máy, dầu động cơ vận hành bao nhiêu km rồi, đến lúc cần thay chưa, giá thành cần chuẩn bị là bao nhiêu. Lốp xe đã cần đảo hay chưa...

Trên đây là kinh nghiệm cá nhân của tôi về sử dụng ôtô, rất mong nhận được nhiều chia sẻ từ mọi người trong diễn đàn.

Độc giả Tuân Đô (VnExpress)

Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin đã lưu
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Duy trì đăng nhập
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên truy cập
Email
Gửi Đóng