Đèn chiếu xa (hay còn gọi là đèn pha) là phương tiện quan trọng để giúp người điều khiển phương tiện giao thông có thể quan sát tốt hơn khi di chuyển và tham gia giao thông vào buổi tối. Tuy nhiên, trên thực tế khi tham gia giao thông nhiều người điều khiển phương tiện lại sử dụng một cách khá tùy tiện. Với hành vi này cũng có quy định xử phạt rất rõ.
Bật đèn pha không đúng sẽ bị xử phạt theo quy định.
Trước hết, đèn pha là đèn quan trọng và bắt buộc cần có của các phương tiện giao thông. Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định khi tham gia giao thông của xe máy, xe ô tô phải có đèn pha:
Điều 53. Điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới.
1. Xe ô tô đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng; an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sau đây: d) Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu.
2. Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều này".
Như vậy, khi tham gia giao thông đối với các phương tiện xe máy, xe ô tô bắt buộc phải có đèn pha.
Đáng chú ý, theo quy định tại khoản 12 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm trong thời gian từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau, sử dụng đèn pha trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
Tại khoản 3 Điều 17 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng quy định xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.
Xử phạt hành vi sử dụng đèn pha không đúng quy định
Hiện nay, hành vi bật đèn pha sai quy định bị xử phạt theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông và đường bộ và đường sắt.
Mức xử phạt với các đối tượng như sau:
Đối với người điều khiển xe ô tô: Căn cứ theo quy định tại đểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CPđối với hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định thì người điều khiển xe sẽ bị phạt từ 800.000 đồng – 1.000.000 đồng nếu sử dụng đèn pha trong đô thị, khu đông dân cư.
Đối với người điều khiển xe máy căn cứ theo quy định tại điểm d, e khoản 3 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì người điều khiển xe sẽ bị phạt từ 400.000 – 600.000 nếu sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư và sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều. Ngoài ra, theo quy định tại điểm c khoản 11 Điều 5, điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, nếu thực hiện hành vi sử dụng đèn pha không đúng quy định mà gây tai nạn giao thông thì ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung. Cụ thể sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng tùy mức độ vi phạm.
Theo autopro