Bọc nilon là cách giữ trần xe sạch sẽ với chi phí thấp, tuy nhiên nó có thể khiến xe bị ồn hơn, gây khó chịu cho người ngồi trong.
Hùng Mạnh (TP HCM) mua một mẫu MPV để kết hợp dùng cho gia đình và chạy dịch vụ. Sau thời gian ngắn chạy xe, phần trần sáng màu bị bẩn, mất thẩm mỹ. Theo tư vấn của người thân, anh bọc trần bằng nilon trong suốt nhằm giữ trần sạch sẽ.
Sau khi bọc, Mạnh và người thân đều nhận thấy khoang xe ồn hơn, đặc biệt có tiếng ù khá khó chịu dù nhỏ, con anh dễ say xe hơn trước. Ngoài ra, còn có vài tiếng động lạ nhỏ ở phía trần khi đi qua gờ giảm tốc, ổ gà. "Tôi phải lột bỏ nilon trần sau một thời gian ngắn", anh cho biết.
Bọc trần xe bằng nilon hoặc thảm da là một dịch vụ phổ biến, nhất là những người lái xe dịch vụ, cần giữ xe sạch sẽ, giúp chống bám bụi, bám mùi mà không cần phải tốn tiền chăm sóc xe quá nhiều. Thông thường, miếng ốp trần xe sẽ được tháo ra, sau đó phần nilon sẽ được bọc kín, cuối cùng là gắn tấm ốp trần vào xe. Giá của dịch vụ khoảng 400.000-800.000 đồng tùy vào kích cỡ xe.
Nội thất xe in bóng lên trần vì bọc nilon.Ảnh: Hồng Sơn
Tuy nhiên, việc bọc trần xe bằng nilon, hoặc các loại vật liệu tương tự sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến độ ồn bên trong khoang xe. Hầu hết trần ôtô được bán ra được bọc nỉ, vải, da lộn, thậm chí xe sang, siêu sang sử dụng vật liệu tương tự như Alcantara nhằm cách nhiệt, giảm hiện tượng âm thanh dội nhiều lần trong không gian hẹp, giúp độ ồn bên trong xe ở mức êm ái hơn.
Khi các âm thanh lọt vào khoang cabin, bề mặt vật liệu sẽ giúp hấp thu tiếng ồn. Nhưng khi thay bằng trần nilon vốn phẳng, không có khả năng hấp thu, lại phản xạ tiếng ồn khiến âm thanh bị "om" trong cabin, tạo cảm giác ù đặc trưng. Tiếng ù thời gian dài ngoài việc khó chịu, còn có thể khiến người ngồi trong xe thấy chóng mặt, buồn nôn.
Để tăng độ thoải mái khi lái xe, nhất là những chuyến đi dài, tài xế không nên bọc thêm các chất liệu khác với nguyên bản của trần xe. Việc làm này còn có thể khiến tạo ra nhiều tiếng động lạ nếu thợ không thi công kỹ trong quá trình tháo, mở ốp trần, khiến các chốt gắn bị gãy, hở.
Trong trường hợp trần xe bị bẩn, chủ xe có thể tự xử lý tại nhà bằng cách xịt dung dịch vệ sinh nội thất lên vết bẩn, sau đó dùng cọ mềm để chùi, cuối cùng dùng khăn sạch để lau và thấm lại bề mặt, lưu ý không nên xịt dung dịch vệ sinh quá đẫm.
Một mẹo khác để tự xử lý vết bẩn trên trần xe hiệu quả nhất là dùng bàn là (bàn ủi) hơi nước. Dùng hơi nước để làm mềm các vết bẩn trên trần, sau đó vệ sinh băng dung dịch và lau khô. Dịch vụ vệ sinh bằng hơi nước cho xe cũng rất thông dụng tại các trung tâm chăm sóc xe, nhưng sẽ dùng máy xịt hơi nước nóng chuyên dụng, giá khoảng 200.000-400.000 đồng.
Theo vnexpress