Nếu thường xuyên di chuyển trên cao tốc, bạn có thể sẽ để ý đến một làn đường trong cùng ở rìa ngoài gần như không có xe di chuyển trong đó. Đó chính là làn đường dừng khẩn cấp (hard shoulder).
Làn đường dừng khẩn cấp là một phần quan trọng trong các tuyến đường cao tốc, nhưng cũng là một trong những làn đường gây hiểu nhầm nhất. Gần đây, người ta bắt đầu giới thiệu về đường cao tốc thông minh, với việc nâng cấp làn đường dừng khẩn cấp thành đường xe chạy ở những giờ cao điểm, nhưng phần lớn làn đường dừng khẩn cấp hiện nay không hề cho phép điều đó.
Ý tưởng về làn đường dừng khẩn cấp bắt đầu xuất hiện từ những năm 1960. Đây là làn đường đóng vai trò là nơi dừng, đỗ xe khẩn cấp khi xe bị hỏng hoặc là làn đường dành riêng cho các xe công an, cấp cứu, cứu hỏa di chuyển trong trường hợp khẩn cấp.
Vậy làn đường dừng khẩn cấp là gì?
Trong hầu hết các trường hợp, làn đường dừng khẩn cấp sẽ chạy dọc theo toàn bộ chiều dài của tuyến đường cao tốc, mặc dù ở một số nơi làn đường này được loại bỏ để tạo thêm làn đường cho xe chạy. Trong trường hợp có làn đường dừng khẩn cấp thì chiều rộng tiêu chuẩn của nó là 3,3 mét, đủ rộng cho một chiếc xe tải lớn mà không phải lấn qua làn đường chính.
Làn đường dừng khẩn cấp là làn đường ngoài cùng, được phân cách bằng vạch sơn liền màu trắng. Ảnh: AutoExpress
Một đặc trưng nữa của làn đường này là nó thường được phân biệt với các làn đường chính bằng một vạch sơn liền màu trắng phản quan (khác với các vạch đứt phân tách các làn đường chính với nhau). Vạch trắng này cũng sẽ tạo ra các tiếng rít khi bánh xe đè qua, giúp cảnh báo người lái rằng họ đã đi lệch ra làn đường này. Ngoài ra, các miếng mắt mèo cũng được đặt trên vạch trắng này.
Khi nào nên sử dụng làn đường dừng khẩn cấp?
Bạn sẽ không được dừng ở làn đường này nếu không phải đang trong trường hợp khẩn cấp. Các trường hợp khẩn cấp bao gồm việc xe của bạn bị hư hỏng, hay thủng lốp xe, hay nếu bạn đang lái xe rơ moóc và phần rơ moóc đó gặp phải trục trặc, hay thậm chí bạn đang cần trợ giúp về y tế.
Tất nhiên, bạn sẽ không thể dừng lại ở làn đường này chỉ để nghe điện thoại, hay chỉ để nghỉ ngơi hoặc đi vệ sinh. Bạn có thể làm tất cả những điều đó ở các trạm dịch vụ thường được đặt cách nhau chỉ vài km trên đường cao tốc.
Xe của cảnh sát hay xe cấp cứu sẽ di chuyển ở làn đường này khi có sự cố xảy ra. Ảnh: AutoExpress
Ngoài ra, bạn không thể sử dụng làn đường này để di chuyển, trừ khi bạn được cảnh sát giao thông hoặc người có thẩm quyền yêu cầu. Ngay cả trong trường hợp có tắc đường, bạn cũng không được lách qua để di chuyển trên làn đường này, vì có thể có sự cố giao thông ở phía trước bạn, và việc bạn di chuyển trên làn đường khẩn cấp sẽ làm chặn xe của các cơ quan chức năng.
Làm thế nào để sử dụng làn đường khẩn cấp đúng cách?
Khi bạn đang trong trường hợp khẩn cấp và muốn dừng lại ở làn đường này, bạn nên bắt đầu đánh lái về phía bên phải (hoặc bên trái đối với những nước di chuyển bên trái), đồng thời nhanh chóng bật đèn cảnh báo nguy hiểm (nút màu đỏ ngay giữa xe), đặc biệt là vào ban đêm để những chiếc xe ở phía sau biết bạn đang muốn chuyển làn đường.
Khi xe bạn dừng lại hẳn, bạn nên đánh tay lái về phía bên phải (hoặc trái nếu bạn ở những nước đi bên trái) để đảm bảo rằng nếu điều tồi tệ nhất xảy ra là có một chiếc xe khác đâm vào xe bạn thì xe bạn cũng sẽ lao về phía bên ngoài của đường cao tốc thay vì lao vào làn đường chính.
Khi bạn ra khỏi xe, hãy chắc chắn rằng bạn đã kéo phanh tay. Tìm số điện thoại khẩn cấp – thường được ghi trên các tấm bảng báo hiệu để liên hệ với dịch vụ cứu hộ.
Nếu có thể, hãy nhìn xung quanh để xem có các chỉ dấu của đường cao tốc không. Những tấm bảng nhỏ với các con số bên trên là thứ duy nhất giúp các dịch vụ cứu hộ biết được vị trí của bạn và họ sẽ đến giúp bạn trong thời gian nhanh nhất.
Theo AutoExpress