Trên thực tế đã có rất nhiều người dân cự cãi quyết liệt, không chấp hành tín hiệu và hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông (CSGT) khi bị kiểm tra nồng độ cồn. Câu hỏi được đặt ra liệu CSGT có quyền dừng bất kỳ xe nào để kiểm tra nồng độ cồn hay không? Hay chỉ khi mắc lỗi và có dấu hiệu vi phạm thì CSGT mới có quyền kiểm tra?
Chuyên mục tư vấn pháp luật của Oto.com.vn xin tư vấn cho bạn như sau:
Khoản 2 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông do Bộ trưởng Bộ Công An ban hành quy định cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
1. Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
2. Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên.
3. Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.
4. Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
5. Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Tài xế không chịu hợp tác và liên tục uống nước khi bị kiểm tra nồng độ cồn
Như vậy, CSGT vẫn có quyền dừng xe và kiểm tra nồng độ cồn dù cho bạn không có dấu hiệu vi phạm giao thông, nhưng CSGT phải có mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên; thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên…
Một thông tin nữa mà các "ma men" cần biết, thực hiện theo Công điện 1658/CĐ-Ttg ngày 9/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan như: Bộ Giao Thông Vận Tải, Bộ Công An, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ... tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy trong dịp Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán và Lễ hội Du Xuân 2020.
Trong đó có nội dung: "Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy; chú ý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, như: Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; chạy quá tốc độ quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện cơ giới; chở hành khách, hàng hóa quá tải trọng quy định; dừng, đỗ không đúng nơi quy định, không đi đúng phần đường, làn đường và không nhường đường cho xe sau xin vượt theo quy định..., tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm, chú trọng đối với xe ô tô chở khách, xe chở container; ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép".
Do vậy, khả năng cao từ đây đến Tết Nguyên Đán 2020 cho hết tháng Giêng, các địa phương sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn theo kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh .
Theo oto