+1 để tin của bạn có vị trí cao trên google

Công nghệ ADAS không phải 'thần thánh' trên ôtô

Cập nhật: 20:10 12/07/2024
Các hệ thống an toàn chủ động chỉ hỗ trợ, không thể thay thế hoàn toàn tài xế.
 
An toàn chủ động (Advanced Driver-assistance System - ADAS) là một tập hợp các tính năng an toàn, hoạt động một cách tự động nhằm giảm thiểu thiệt hại cho con người và phương tiện trong những tính huống nguy hiểm, có khả năng xảy ra va chạm, hoặc khi hệ thống phát hiện có lỗi vận hành nghiêm trọng đến từ tài xế, khiến khả năng cao xảy ra va chạm khi tham gia giao thông.
 
ADAS hoạt động bằng các cảm biến, camera gắn quanh xe để phát hiện vật thể, đánh giá rủi ro của tài xế khi xe đang hoạt động. Ảnh: Ecarxgroup
 
Hệ thống an toàn này sử dụng các linh kiện như radar, cảm biến siêu âm, camera để quét, phân tích và đo khoảng cách từ phương tiện đến các vật thể, hoặc phát hiện lỗi của tài xế, từ đó tự động can thiệp như giảm tốc độ, đánh lái, phanh trong trường hợp tài xế không làm những điều này để tránh tai nạn.
 
Trước đây, ADAS là trang bị chỉ thấy trên những dòng xe đắt tiền, cao cấp. Với sự phát triển của công nghệ, xe điện, các tiêu chuẩn an toàn ngày càng đòi hỏi cao, hệ thống ADAS giờ đây đã có mặt trên các phương tiện giá rẻ.
 
Các tính năng tiêu biểu của ADAS bao gồm ga hành trình chủ động giúp xe tự động tăng, giảm tốc độ, giữ khoảng cách cố định với xe phía trước, tự cụp đèn pha khi có xe ngược chiều phía trước để giảm chói, cảnh báo điểm mù, tự động lùi chuồng, tự động giữ làn, tự phanh khi có vật cản, cảnh báo buồn ngủ...
 
Công nghệ ngày càng phát triển, nhưng ADAS vẫn chỉ là những tính năng hỗ trợ, tức không thể độc lập vận hành chiếc xe trong mọi tình huống. Vì thế, việc quá tin tưởng và phó mặc an toàn của người trên xe cho ADAS là sai lầm mà nhiều tài xế mắc phải. Dưới đây là những vấn đề cần hiểu rõ về ADAS.
 
ADAS không hoạt động mọi lúc mọi nơi
 
 
Nút kích hoạt tính năng ga tự động thích ứng trên Mazda6. Ảnh: Hồ Tân
 
Thông thường, ADAS mặc định là bật khi khởi động xe. Trên một số dòng xe sẽ cho phép tài xế vô hiệu hóa một hoặc toàn bộ các tính năng ADAS, bằng nút bấm hoặc menu điều khiển. Tuy nhiên, khi khởi động lại xe ADAS sẽ tự động bật lại. Một số nhà sản xuất thì mặc định ADAS luôn hoạt động, tài xế không thể tắt. Chính vì thế, nhiều tài xế có thể nghĩ rằng hệ thống này luôn trong trạng thái hoạt động, tuy nhiên ADAS cần nhiều điều kiện để có thể được kích hoạt.
 
ADAS có thể hoàn toàn bị vô hiệu hóa, tắt một hoặc nhiều tính năng khi điều kiện môi trường không cho phép, gây ảnh hưởng đến tầm nhìn hoặc cụm cảm biến bị che phủ, cản trở. Ví dụ như khi trời mưa to làm cản tầm nhìn của camera, khiến phanh tự động không kích hoạt khi gặp vật thể.
 
Các điều kiện khác để ADAS hoạt động bao gồm người ngồi trong xe cài dây an toàn đầy đủ, tầm nhìn xung quanh xe thông thoáng, cửa phải được đóng, camera/cảm biến không bị che phủ hoặc bẩn, dải tốc độ trong mức cho phép... Lưu ý rằng điều kiện cần và đủ để ADAS hoạt động là khác nhau trên mỗi xe, được ghi rõ trong sách hướng dẫn sử dụng.
 
Nếu hệ thống ADAS bị vô hiệu hóa, trên màn hình lái hoặc màn hình thông tin sẽ hiện đèn cảnh báo, hoặc hiển thị bằng đèn đỏ ở nút bấm các chức năng ADAS.
 
Kiểm soát hành trình thích ứng không thể phát hiện xe phía trước đứng im
 
Trên một số xe tính năng ga hành trình chủ động chỉ có thể hoạt động ở một dải tốc độ cố định, ví dụ 30-150 km/h. Tốc độ xe trên hoặc dưới mức này sẽ khiến tính năng bị hủy bỏ. Thông tin này được ghi rõ trong sách hướng dẫn sử dụng.
 
Trên một số xe, hệ thống ga hành trình chủ động không có khả năng phát hiện vật thể đứng yên, có thể khiến tính năng này bị hủy bỏ khi có xe dừng đỗ phía trước đường đi.
 
Thông thường khi ga hành trình tự động bị hủy bỏ, xe sẽ phát ra tiếng báo hiệu. Lúc này tài xế nên chủ động tăng giảm ga, phanh để đảm bảo an toàn khi lưu thông.
 
Phanh tự động không phải lúc nào cũng được kích hoạt khi phát hiện vật thể phía trước
 
Phanh tự động khi phát hiện vật cản sẽ được kích hoạt, với điều kiện là tài xế đang trong trạng thái không nhấn phanh. Nếu tài xế rà phanh, hệ thống sẽ tự hiểu rằng tốc độ của xe đang dưới toàn quyền kiểm soát của tài xế, do đó hệ thống không can thiệp. Chính vì thế, phanh tự động chỉ can thiệp vào những lúc tài xế lơ là, quên phanh khi có vật cản.
 
Bên cạnh đó, nếu vật thể ở ngoài vùng quét của radar đặt ở mũi xe, phanh tự động sẽ không được kích hoạt, ví dụ như trong tình huống hai xe tông lệch nhau, không phải tông trực diện.
 
Lưu ý rằng ADAS chỉ là tính năng hỗ trợ, giảm thiểu rủi ro khi lái xe, chính vì thế tài xế không chủ quan, lơ là khi lái cho dù ADAS đang hoạt động. Sự phán đoán của ADAS về các tình huống nguy hiểm có thể không chính xác, tài xế nên là người chủ động đưa ra quyết định để tránh xảy ra va chạm trong những tình huống nguy hiểm.
 
Theo vnexpress
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin đã lưu
Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu
Duy trì đăng nhập
Quên mật khẩu ? Đăng ký
Thoát
Phục hồi mật khẩu
Nhập tên đăng nhập và địa chỉ email đã đăng ký tài khoản.
Tên truy cập
Email
Gửi Đóng