Tài xế hoặc người trên xe còn tỉnh táo cần đặt ngay biển cảnh báo phía sau xe, đảm bảo an toàn và liên hệ với cứu thương, cơ quan chức năng.
Khi xảy ra tai nạn giao thông, nếu không xảy ra thương vong, còn tỉnh táo, phần đông tài xế thường có thói quen xem xét chiếc xe và đối thoại với tài xế xe va chạm. Tuy nhiên, việc cố gắng phân bua, đôi co có thể khiến các tài xế mất thời gian vô ích, và đặc biệt đặt mình vào tình huống nguy hiểm. Dưới đây là các bước xử lý khi gặp tai nạn.
Bước 1: xác định giữ nguyên hay di dời hiện trường
Giữ nguyên hiện trường là điều nên được ưu tiên hơn cả, nhằm giúp lực lượng chức năng, công ty bảo hiểm có thể điều tra nguyên nhân, xác định lỗi và mức bồi thường thiệt hại cho tất cả các bên. Việc di dời hiện trường khi chưa ghi thu thập đầy đủ hiện trạng các bên lúc tai nạn có thể khiến việc xác định lỗi khó hơn và mất thời gian hơn.
Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 nêu rõ trách nhiệm của người gây tai nạn là dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn, có mặt khi cơ quan thẩm quyền yêu cầu, cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, các điều khoản về bảo hiểm vật chất của xe đều quy định rõ việc di dời hiện trường sẽ gây khó khăn khi giám định mức độ thiệt hại, mức bồi thường. Do đó nếu di dời hiện trường, có thể tài xế sẽ bị chế tài, và không được bồi thường 100%.
Hiện trường tai nạn trên cao tốc sáng 11/7. Ảnh: Xuân Hoa
Trong một số trường hợp đặc biệt, chủ xe sẽ được phép di dời mà không bị ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm, cũng như không vi phạm về mặt luật pháp. Đó là khi việc di dời hiện trường được yêu cầu bởi cơ quan chức năng.
Ngoài ra, trường hợp xảy ra các tai nạn không nghiêm trọng, không cần sự có mặt của các cơ quan chức năng, tai nạn khiến giao thông bị cản trở hoặc làm ảnh hưởng đến sự an toàn của các phương tiện khác, chủ xe có thể di dời hiện trường đến chỗ an toàn gần đó, với điều kiện phải thông báo trước và có sự chấp thuận của phía bảo hiểm, cũng như chụp ảnh, ghi hình hiện trường một cách kỹ càng trước khi di dời.
Tại một số quốc gia, việc di dời xe vào vị trí an toàn khi xảy ra tai nạn nhỏ, không ảnh hưởng đến tính mạng là điều được khuyến khích. Ví dụ như ở Mỹ, tiểu bang Mississippi đã ban hành luật vào năm 2021, yêu cầu tài xế di dời xe vào nơi an toàn nếu xảy ra va chạm nhỏ, trong điều kiện không thiệt hại về người, xe vẫn có thể lái được. Việc làm này nhằm giảm thiểu tai nạn xảy ra nếu tai nạn xảy ra ở giữa đường đi.
Bảng nhắc nhở tài xế phải di dời xe ra khỏi mặt đường các xe lưu thông đối các vụ va chạm nhỏ, bang Mississippi, Mỹ. Ảnh: MDOT
Bước 2: đảm bảo an toàn cho những người còn tỉnh táo
Nếu có thể di dời hiện trường, ví dụ xe va chạm ở làn giữa trên cao tốc nhưng chỉ hư hại nhẹ ở thân vỏ, vẫn có thể lái, tài xế cần nhanh chóng đưa xe vào làn khẩn cấp, hoặc lề đường. Việc làm này là để đảm bảo an toàn cho tất cả những người còn lại trên xe. Nên chụp ảnh, quay video hiện trường một cách nhanh chóng, trước khi lái xe vào lề. Thông tin này có thể được hướng dẫn bởi nhà cung cấp bảo hiểm, hoặc cơ quan chức năng.
Nếu phải dừng lại để làm việc cùng cơ quan chức năng hoặc người va chạm, việc đầu tiên là bật cảnh báo nguy hiểm (đèn hazard), được trang bị ở tất cả mọi xe (biểu tượng tam giác màu đỏ trên táp-lô).
Ngay sau đó, tài xế cần đặt thêm tam giác, chóp nón cảnh báo ở phía đuôi xe, khoảng cách phụ thuộc vào tốc độ cho phép của tuyến đường, tốc độ càng nhanh, khoảng cách đặt càng xa. Theo Quy chuẩn 41/2016, khoảng cách từ nơi đặt biển nguy hiểm và cảnh báo là dưới 50 m khi tốc độ trung bình của xe dưới 20 km/h, 50-100 m khi tốc độ từ 20-35 km/h, 100-150 m khi tốc độ từ 35-50 km/h, 150-250 m khi tốc độ trên 50 km/h.
Cách làm an toàn nhất là đặt nhiều tam giác, chóp nón cảnh báo theo hàng, cách nhau khoảng 10-20 m để tạo thành một hành lang an toàn, giúp các xe phía sau có thể điều hướng kịp thời nhằm tránh va chạm liên hoàn.
Khi đặt các vật thể cảnh báo, tài xế cần mặc áo khoác phản quang để tăng độ nhận diện. Nếu không có áo này, có thể sử dụng tính năng đèn pin trên điện thoại để báo hiệu. Áo khoác phản quang, tam giác, chóp nón cảnh báo có thể mua tại các cửa hàng bán phụ kiện xe, hoặc chợ thương mại điện tử, giá vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Nếu không thể di dời hiện trường, việc đầu tiên cũng là đặt cảnh báo nguy hiểm. Tiếp theo, tài xế cần cần kiểm tra là tình trạng sức khỏe của bản thân và những người liên quan trong vụ tai nạn. Nếu tất cả đều ổn, xác định xe không có nguy cơ xảy ra cháy nổ, không lật, tài xế nhắc nhở mọi người bình tĩnh, ngồi yên trong xe. Nếu vội vã mở cửa xe để chạy ra ngoài, người trên xe có thể bị các phương tiện đang di chuyển tốc độ cao húc trúng.
Nếu xe có nguy cơ cháy nổ, thông qua vệt xăng, dầu chảy trên đường, cần nhanh chóng ra khỏi xe. Với những người khỏe mạnh, cùng nhau giúp đỡ người không thể di chuyển, ra khỏi xe bằng cách tiến thẳng về phía trước khoảng 50m, không cắt ngang luồng phương tiện để ra lề đường. Việc tiến về phía trước sẽ giúp hạn chế thương vong nếu chẳng may có xe đâm liên hoàn.
Chỉ khi vụ va chạm xảy ra ở làn đường sát lề đường, hoặc làn đường đã bị chắn bởi xe tai nạn, người trên xe mới tìm cách ra khỏi đường xe chạy. Lúc này, an toàn nhất là tránh ở phía sau lan can đường.
Bước 3: sơ cứu người bị nạn, tìm kiếm sự hỗ trợ
Nếu có thương vong, tài xế cần tìm cách sơ cứu, nhờ sự hỗ trợ của những người xung quanh, và liên hệ với cơ quan chức năng càng sớm càng tốt. Trên mỗi xe luôn cần có túi y tế sơ cứu, cũng như người lớn học cách sơ cứu cơ bản để có thể duy trì sự sống, tỉnh táo cho nạn nhân, đợi lực lượng y tế tới cứu.
Theo vnexpress