Đề xuất đăng kiểm theo quãng đường di chuyển (kilometer) thay cho đăng kiểm theo thời gian cố định sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Nghĩ thì đơn giản nhưng khó thực hiện.
Theo quy định hiện hành, mỗi lần đăng kiểm, phương tiện sẽ được cấp giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Hết hạn, phương tiện sẽ thực hiện đăng kiểm, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định.
Theo điểm c, khoản 4, điều 16, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với người điều khiển xe (tài xế) có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) là 2 đến 3 triệu đồng và có thể áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Đề xuất đăng kiểm ô tô theo kilometer, nghĩ dễ làm khó!
Thế nhưng, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam khiến nhiều phương tiện ngừng hoạt động, đặc biệt là các phương tiện vận tải khách công cộng (gồm xe buýt, xe khách liên tỉnh, taxi,…).
Thực hiện giãn cách xã hội, nhiều trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa suốt 2 tháng nay. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh mới, việc đăng kiểm ô tô cũng cần thay đổi theo hướng tùy biến linh hoạt. Nên đăng kiểm dựa trên số km (bằng quãng đường) thay vì thời gian như trước nhằm giảm chi phí cho chủ phương tiện.
Ghi nhận của phóng viên tin tức pháp luật, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều xe bỏ không từ đầu năm đến nay. Trong đó những chiếc xe chuẩn bị đến hạn đăng kiểm. Anh T, một chủ xe đang sống trong hoàn cảnh như thế chia sẻ: "Xe hầu như không chạy nhưng tới tháng 8 này là đã đến hạn đi đăng kiểm. Điều này khiến tôi cảm thấy lãng phí khi xe không chạy".
Mỗi lần đăng kiểm, phương tiện sẽ được cấp giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Theo anh T, cơ quan chức năng cần có giải pháp hỗ trợ chủ xe trong quá trình kiểm định. Cụ thể ở đây là điều chỉnh lại thời hạn kiểm định hoặc đóng phí sử dụng đường bộ theo số kilometer. Chẳng hạn sau 10.000km hoặc 20.000km/lần.
Như vậy, xe chạy nhiều sẽ có chu kỳ đăng kiểm "mau" hơn xe chạy ít. Việc này vừa mang lại tính chính xác, công bằng và tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của chủ phương tiện.
Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự nghi ngại của một số chuyên gia giao thông. Mặc dù đề xuất đăng kiểm xe theo quãng đường di chuyển rất có ích đối với các dòng xe chạy dịch vụ bởi những dòng xe này chạy nhiều và cần kiểm tra về mặt kỹ thuật nhiều hơn so với xe gia đình ít sử dụng.
Nhưng ô tô là một phương tiện giao thông có kỹ thuật đặc thù. Chất lượng phương tiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác (thói quen sử dụng, điều kiện bảo quản và sử dụng). Xe đi nhiều chưa chắc là xe kém chất lượng hơn xe đi ít.
Ngoài ra, đăng kiểm dựa trên quãng đường cũng có sự phức tạp, cần được tính toán kỹ nhằm đảm bảo tính khả thi và hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh.
Theo oto