Độ ô tô làm thỏa mãn những người chơi xe cá tính, muốn làm chủ một phương tiện khác biệt với số đông nhưng đi kèm với đó là một loạt nhược điểm mà họ phải học cách chấp nhận.
Những người có kinh nghiệm sử dụng ô tô cho biết, nhiều người chuộng phương pháp độ xe bởi nó có thể giúp người sử dụng thoả mãn gu thẩm mỹ và thể hiện "chất" riêng của mình. Tất nhiên, để có được điều như ý, họ phải chấp nhận đánh đổi, tiếp nhận một loạt nhược điểm dưới đây:
1. Chi phí không hề rẻ
Bên cạnh việc chi một khoản tiền lớn để mua một chiếc xe nguyên bản từ nhà sản xuất, bạn sẽ mất thêm số tiền không nhỏ cho các khoản phí phát sinh liên quan đến tùy chỉnh các bộ phận của xe. Nắm được vấn đề này, đa phần mọi người đều tham khảo và ước tính chi phí trước nhằm hạn chế vượt khả năng chi trả cho gói độ.
Độ ô tô và 6 nhược điểm khiến dân chơi trả giá đắt.
Chưa kể, khi bạn tùy chỉnh lại chiếc xe, chi phí "nuôi xe" cũng bị ảnh hưởng. Chẳng hạn khi bạn nâng cấp động cơ có thể sẽ "ngốn" nhiều nhiên liệu hơn và chủ xe cũng phải lựa chọn loại lốp tốt hơn để xe vận hành tối ưu nhất có thể.
Do đó, nếu ngân sách có hạn, hãy cân nhắc kỹ kỹ trước khi quyết định để tránh phải chi nhiều khoản không cần thiết.
2. Phát sinh nhiều rủi ro
Đôi khi một số thay đổi sẽ làm chiếc xe của bạn trở nên hoàn hảo hơn nhưng cũng không ít trường hợp phải chịu những "biến cố" không mong muốn. Trong lúc dễ tính, bạn giao nhiệm vụ độ xe cho nhóm thợ thiếu chuyên môn hoặc vô tình để xảy ra sai sót khiến chiếc xe trở thành một sản phẩm không hoàn thiện.
Độ ô tô sẽ phát sinh nhiều rủi ro không mong muốn.
Khi độ xem bạn cần kiểm tra và thẩm định từng bước, đặc biệt là những công đoạn liên quan đến hệ thống điện. Bạn nên nhờ tới sự giúp đỡ của người có chuyên môn hoặc nơi thực hiện độ xe uy tín để hạn chế những rủi ro không đáng có.
3. Có thể bị công ty bảo hiểm từ chối chi trả
Nếu chiếc ô tô chỉ thay đổi một vài chi tiết nhỏ bên ngoài thì bạn vẫn được các công ty bảo hiểm đảm bảo quyền lợi. Nhưng nếu bạn yêu cầu thợ thay thế động cơ xe, điều chỉnh lại hệ thống điện hoặc ECU thì mọi chuyện sẽ khác.
Có vài trường hợp, một vài bộ phận trên xe có dấu hiệu "lão hoá" và phía công ty bảo hiểm suy luận nguyên nhân là do bạn tự ý tùy chỉnh chiếc xe và từ chối bảo hành. Theo ý kiến nhiều người, bạn không nên độ xe khi thời hạn bảo hành vẫn còn.
4. Chi phí bảo dưỡng, bảo trì tăng
Xe hơi đã từng độ thường được định giá thấp hơn giá trị những chiếc xe cùng loại.
Quá trình độ xe chỉ là bước đầu, bạn vẫn phải thực hiện hàng loạt công việc hậu trường khác như: chăm sóc, bảo hành xe và sử dụng xe theo chế độ đặc biệt, kèm theo những việc đó là một khoản tiền khá lớn. Nếu chiếc xe độ động cơ, chắc chắn bạn sẽ mất thêm tiền cho việc bảo dưỡng. Hãy chuẩn bị tâm lý cho việc này.
5. Có thể bị phạt hành chính
Tại Việt Nam, nếu thay đổi một số bộ phận trên ô tô, làm mất hình dạng đặc trưng của dòng xe đó, chủ xe có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định tại Nghị định 100/2019.
Phạt tiền 300.000 - 400.000 đồng đối với cá nhân hoặc 600.000 - 800.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, xe chuyên dùng, máy kéo, các loại xe tương tự ô tô thực hiện 1 trong các hành vi sau: lắp kính chắn gió hoặc cửa kính xe không phải loại kính an toàn, thay đổi sơn xe không đúng màu sơn thể hiện trong giấy đăng ký xe, không làm thủ tục khai báo (đối với loại xe có quy định làm thủ tục khai báo) với cơ quan chức năng theo quy định trước khi cải tạo xe.
Phạt tiền từ 800.000 đồng - 2 triệu đồng đối với cá nhân và 1,6 - 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô có các hành vi: tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông; tẩy xoá, sửa chữa hoặc làm giả hồ sơ đăng ký xe; tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.
Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với cá nhân và 12 - 16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xecó hành vi tự ý thay đổi thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống truyền động, hệ thống phanh hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế mà nhà sản xuất đã đăng ký với cơ quan chức năng, tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe.
6. Không dễ bán lại
Xe hơi đã từng độ thường được định giá thấp hơn giá trị những chiếc xe nguyên bản, cùng loại, cùng năm sản xuất. Bạn cần nhớ rằng, tùy chỉnh chiếc xe có thể thích hợp với sở thích cá nhân của bạn nhưng không phù hợp với số đông người còn lại. Cách tốt nhất là hãy tìm người có chung quan điểm, sở thích với mình để bán xe cho họ.
Trên đây là những nhược điểm của việc độ xe - một phương pháp thể hiện tính cá nhân hoá được nhiều người ưa chuộng hiện nay. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích để bạn tự tin với kế hoạch thay đổi chiếc xe của mình. Chúc bạn thành công!
Theo oto