Việc sử dụng lẫn lộn, không nhất quán hai từ này ngay trong các văn bản Luật khiến ý nghĩa của chúng ngày càng sai lệch.
Trong hệ thống văn bản về giao thông vận tải đường bộ, ta gặp nhiều lần các từ ghép và cụm từ: trọng tải, tải trọng, khối lượng, trọng lượng, tải trọng của xe, tải trọng của đường bộ, vượt trọng tải, quá tải trọng.
Nhận thấy số lượng từ ngữ như vậy có khá nhiều, không nhất quán, mâu thuẫn với nhau, thậm chí ngay trong một điều của một văn bản. Tình trạng hiểu không thống nhất dẫn đến những tranh cãi giữa các bên liên quan, thậm chí có chủ doanh nghiệp vận tải còn muốn kiện cơ quan quản lý đường bộ. Các công văn giải thích qua lại, và cuộc tranh luận còn tiếp tục trên các diễn đàn, chưa tìm ra câu trả lời xác đáng.
Như vậy, vấn đề đặt ra là trọng tải là gì, tải trọng là gì, chúng là đại lượng khối lượng hay trọng lượng?
Bài này gồm ba Phần đưa ra những phân tích làm rõ ý nghĩa của các từ nhằm trả lời câu hỏi trên cùng những kiến nghị sửa đổi cần thiết.
Trọng tải của xe là gì?
Trước hết cần dựa vào các căn cứ pháp lý. Đối với việc sử dụng các đại lượng và đơn vị, các văn bản quy phạm pháp luật cao nhất hiện nay là Luật Đo lường 2011, Nghị định của Chính phủ số 86/2012/NĐ-CP và Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ. Bên cạnh đó là Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7870-1:2010 về Đại lượng và đơn vị. Theo đó, các văn bản do cơ quan nhà nước ban hành bắt buộc phải sử dụng các đại lượng cùng các đơn vị đo pháp định; Công ước Viên 1968 nhấn mạnh nguyên tắc đảm bảo tính hệ thống của luật pháp quốc gia; còn TCVN 7870-1:2010 hiện hành là hoàn toàn tương đương với Tiêu chuẩn quốc tế ISO 80000-1:2009 nên có tính hội nhập cao.
Ngoài ra, có thể đối chiếu với các giải nghĩa trong từ điển, ví dụ Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Hoàng Phê chủ biên), cuốn từ điển có mặt ở nhiều văn phòng cơ quan và trên các giá sách gia đình, cũng như đối chiếu với việc sử dụng các từ ngữ đó trong các ngành khoa học kinh điển khác.
Giờ hãy xem trọng tải là gì? Chúng ta đã rất quen với từ trọng tải trong đóng tàu và hàng hải. Thường nói, chẳng hạn “Tàu hàng trọng tải 164.000 tấn cập cảng Sơn Dương”, “Hyundai Vinashin đang đóng bốn tàu dầu, trọng tải mỗi chiếc 50.000 tấn”, “Tổng công ty Sông Thu vừa hạ thủy tàu cảnh sát biển có trọng tải 2.400 tấn”..
Các công ước quốc tế trong hàng hải cũng đã định nghĩa trọng tải (deadweight) là hiệu số tính bằng tấn của tổng khối lượng tàu khi toàn tải và khối lượng tàu không. Nó chính là khối lượng lớn nhất mà tàu có thể chở được, theo thiết kế.
Dùng từ trọng tải như trên là hoàn toàn phù hợp với Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học, trong đó từ trọng tải chỉ có một nghĩa: “Khối lượng có thể chở được của phương tiện vận tải. Ví dụ Trọng tải của xe là năm tấn”.
Trong khi đó, ở lĩnh vực giao thông đường bộ, ví dụ, Văn bản số 19/VBHN-BGTVT 19/12/2015 mới đây (hợp nhất các Nghị định 107/ 2014/NĐ-CP và 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm) sử dụng những cụm từ: trọng tải thiết kế; trọng tải theo thiết kế; trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở); xe có trọng tải dưới 5 tấn.
Nói trọng tải của xe là 5 tấn hay nói xe 5 tấn nghĩa là khối lượng lớn nhất mà xe đó có thể chở được là 5 tấn.
Như vậy, trong các văn bản giao thông đường bộ, dùng các từ sau đây là đúng nghĩa, ví dụ: trọng tải, trọng tải thiết kế, trọng tải sau cải tạo, xe có trọng tải dưới 5 tấn, vượt trọng tải.
Nếu từ trọng tải được sử dụng như trên, không lẫn với tải trọng, nó sẽ được hiểu thống nhất với cách dùng truyền thống trong lĩnh vực đóng tàu, hàng hải cùng trong ngành giao thông vận tải.
Từ một số văn bản về giao thông đường bộ, có thể liệt kê những cụm từ thường gặp, trong đó chứa các từ tải trọng, trọng lượng và khối lượng như sau:
Trọng lượng bản thân xe; khối lượng bản thân xe; trọng lượng (khối lượng) bản thân xe; trọng lượng hàng hóa chuyên chở theo thiết kế; trọng lượng toàn bộ theo thiết kế; trọng lượng kéo theo cho phép; trọng lượng HHCC cho phép tham gia giao thông; trọng lượng toàn bộ cho phép TGGT;
Khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở; trọng lượng xe tối đa được phép; khối lượng toàn bộ; tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ); trọng lượng toàn bộ xe (trọng tải xe); tải trọng xe là trọng lượng hàng hóa xếp trên xe.
Đơn vị đo của chúng, khi là kilôgam (kg) hay tấn (t), khi là kilôgam lực (kG) hay tấn lực (T)!
Lại có những cụm từ: tải trọng của đường bộ; công bố về tải trọng; xe quá tải trọng của đường bộ; kiểm tra trọng lượng xe; cân tải trọng; trạm cân kiểm tra tải trọng; trạm kiểm tra tải trọng; kiểm soát tải trọng xe; tải trọng trục xe; hạn chế trọng lượng trên trục xe; hạn chế trọng lượng xe; hạn chế tải trọng xe.
Dường như trong các cụm từ nói trên, tải trọng, trọng lượng và khối lượng được đánh đồng, người đọc khó có thể phân biệt được, và hiểu nhầm là điều dễ xảy ra.
Vậy thực sự tải trọng là gì?
Theo Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học, tải trọng có các nghĩa: 1) tải trọng là lực hay ngẫu lực từ bên ngoài tác động lên một vật, xét về mặt sức bền cơ học của vật đó và 2) x. trọng tải.
Một số người hiểu nhầm giải nghĩa 2) cho rằng, như vậy, tải trọng và trọng tải là như nhau. Thực ra, như đã giải thích ở đầu cuốn Từ điển, lối chuyển chú x. trọng tải (xem trọng tải) này nói lên rằng, nếu dùng với ý nghĩa cân nặng của vật thì viết trọng tải được coi là chuẩn hơn, phổ biến hơn viết tải trọng.
Thực tế, giải nghĩa 2) đôi khi gặp trong ngôn ngữ xã hội thường ngày; còn trong các khoa học kinh điển như Cơ học công trình và máy, tải trọng chỉ dùng với nghĩa 1). Theo đó, tải trọng là một khái niệm rộng chỉ tập hợp lực, không phải là một đại lượng. Tùy theo loại lực, nó có thể được đo bằng các đơn vị khác nhau như niu tơn (N), N.m, N/m, N/m2...
Áp dụng giải nghĩa 1) nói trên thì tải trọng của xe là tập hợp lực tác động lên xe, khi xét về mặt sức bền cơ học của xe. Tuy nhiên:
- Đối tượng áp dụng các văn bản trong lĩnh vực giao thông đường bộ chủ yếu là người quản lý an toàn đường bộ, cảnh sát giao thông, các doanh nghiệp và cá nhân vận tải, người lái xe hay người tham gia giao thông nói chung. Tất cả họ lúc này đều không phải là những người tính toán sức bền của xe, nên không ai quan tâm tới các loại lực tác động lên xe; họ chỉ quan tâm đến cân nặng của xe;
- Trong hồ sơ kỹ thuật của xe cũng như trên các biển báo, khi nói đến cân nặng của xe đều dùng đơn vị kilôgam (kg) hoặc tấn (t). Cũng vậy, tại các trạm cân xe, đồng hồ đều chỉ thị bằng đơn vị kg hoặc t. Đó là những đơn vị đo khối lượng.
Hiện nay, văn bản luật của Việt Nam đều dùng từ tải trọng với ý nghĩa là khối lượng, không chính xác với cách giải nghĩa từ điển chính thống, đồng thời gấy hiểu nhầm, khó phân biệt với từ trọng tải.
Độc giả Phan Văn Khôi
Bài viết do Đức Huy biên tập
VnExpress