Trên thị trường có nhiều chủng loại cảm biến áp suất lốp với nhiều thiết kế khác nhau. Loại được lựa chọn nhiều nhất trong tầm giá 3-4 triệu đồng.
Trước đây, cảm biến áp suất lốp (TPMS) thường chỉ được trang bị trên những dòng xe sang. Hiện nay, đối với những mẫu xe phổ thông hay tất cả xe chưa có thiết bị này, chủ xe có thể dễ dàng mua bộ phụ kiện rời trên thị trường để lắp vào xe.
Tác dụng của cảm biến áp suất lốp
Đây là thiết bị đặc biệt ữu ích trong những chuyến đi dài. Tài xế có thể biết được mức chênh lệch áp suất lốp bất ngờ, có thể do dính đinh hoặc chèn vào đá gây rách lốp, để kịp thời xử lý. Xịt lốp đột ngột có thể dẫn đến mất lái trong một số trường hợp.
Một bộ cảm biến áp suất lốp hiện nay thường gồm 4 cảm biến lắp ở lốp xe và một màn hình hiển thị. Trên màn hình xuất hiện đủ thông tin từ áp suất từng lốp (đo theo PSI hoặc Bar), nhiệt độ từng lốp và báo động khi có mức thay đổi áp suất đột ngột hoặc áp suất cao/thấp hơn mức cài đặt sẵn.
Áp suất lốp được báo liên tục trên màn hình để tài xế tiện theo dõi.
Áp suất lốp "chuẩn" thay đổi tùy từng loại xe, xe con khác mà xe bản tải lại khác. Ví dụ, đối với một mẫu xe nhỏ như Kia Morning cho đến Mazda3 thường bơm lốp với áp suất khoảng 2,2-2,3 Bar. Thông số áp suất tối thiểu do hãng công bố thường được ghi ở phía mép cánh cửa, vị trí bên lái, trong khi áp suất tối đa sẽ đọc được ở trên lốp.
Cảm biến áp suất lốp rất nhanh nhạy. Nếu trong khoảng 1 phút mà áp suất lốp giảm từ 2,2 Bar xuống còn 1,9 Bar, tức là giảm rất nhanh, trên màn hình sẽ báo và đồng thời phát ra âm thanh để nhắc tài xế. Khi đó, người lái xe sẽ nhận biết được và cho xe tấp dần vào lề để kiểm tra.
Cấu tạo và các loại cảm biến
Có thể chia cảm biến thành hai loại chính, lắp trong và lắp ngoài. Người Việt Nam thường chọn loại lắp trong để tránh bị lấy cắp khi đỗ xe ngoài đường, mặc dù việc này đòi hỏi phải tháo lốp xe và gắn cảm biến vào van ở phía trong.
Một bộ phụ kiện gồm 4 cảm biến cho 4 lốp và màn hình kèm công dụng là thiết bị nhận tín hiệu từ cảm biến.
Trên mỗi thiết bị nhỏ gắn vào có cảm biến áp suất, gia tốc và nhiệt độ. Khi phát hiện bánh xe quay, thiết bị này mới phát tín hiệu radio về bộ phận nhận, chính là cụm có gắn màn hình. Tùy vào từng bộ mà khoảng cách sóng có thể xa hay gần. Như bộ cảm biến PLC này có thể lắp tốt trên xe bán tải - dòng xe có chiều dài khá lớn.
Pin của mỗi cảm biến được hãng cho biết có thể từ 2 năm lên đến 5-7 năm tùy theo mức độ hoạt động và tùy loại. Do đó, chủ xe không cần quá để ý đến thời gian thay pin. Bên cạnh đó, bộ phận hiển thị thông số thường được tích hợp bộ nhận năng lượng mặt trời nên có thể hoạt động liên tục. Nếu hết pin vẫn cắm được sạc qua cổng Micro USB.
Bề mặt nhận năng lượng mặt trời phía trên thiết bị thu.
Trên thị trường có đủ chủng loại thiết kế khác nhau. Có thiết bị hiển thị được lắp rời, thường gắn phía trên bảng táp-lô hoặc có loại được thiết kế riêng để lắp khít vào vị trí nút chờ trên khác mẫu xe Honda, Toyota… Có loại kết nối được Bluetooth đến điện thoại thông minh nhưng không cần thiết nếu đã có màn hình.
Không phải bộ cảm biến nào cũng đo được chính xác. Đối với các hãng có tên tuổi trên thị trường như Steelmate hay loại đặt gia công của một số nơi cung cấp phụ kiện lớn ở Việt Nam, loại càng đắt, độ chính xác càng cao. Loại phổ biến được nhiều đơn vị phân phối tư vấn có giá quanh 3-4 triệu đồng, hoạt động tương đối chính xác.
Một số hình ảnh khác của bộ cảm biến áp suất lốp:
Hộp bộ phụ kiện cảm biến PLC. Đa số các loại trên thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc Đài Loan.
Cảm biến dùng để gắn trong lốp xe.
Màn hình hiển thị gắn trên bảng táp-lô.
Một kiểu hiển thị khác lắp vào nút chờ trên xe Toyota. Ảnh: Otofun.
Theo Trí Thức Thời Đại