Những hành động khi ngồi sau vô lăng tưởng chừng rất vô hại nhưng lại có thể khiến xe hư hỏng nặng.
Chắc hẳn những người sở hữu một chiếc ô tô đều hiểu tầm quan trọng của việc thay dầu thường xuyên, đảo lốp hay thay dây curoa nhằm giúp xe hoạt động ổn định và mượt mà trong thời gian dài. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng có những thói quen nhỏ nhặt khi ngồi sau tay lái khiến độ bền bỉ của cả chiếc xe và linh kiện bên trong giảm đi đáng kể. Dưới đây là 10 thói quen xấu khi điều khiển xe mà nhiều khi các "lái" kỳ cựu cũng có thể mắc phải:
Nghỉ tay trên cần chuyển số
Trừ những lúc sang số ra thì chúng ta không có lý do gì để đụng tới bộ phận này cả. Nghỉ tay trên cần số tạo trọng lượng không mong muốn tác động lên các chi tiết như bạc lót hay bộ đồng tốc của hộp số khiến chúng nhanh bị ăn mòn hơn. Hãy đặt hai tay lên vô lăng trong khi lái xe, vì sự an toàn của chính mình và cả "xế yêu".
Không dùng phanh tay
Việc không dùng phanh tay sẽ khiến toàn bộ trọng lượng của xe dồn lên chốt đỗ hay còn gọi là bánh răng cóc (parking pawl), một linh kiện kim loại rất nhỏ nằm bên trong hộp số. Việc này nếu kéo dài sẽ khiến chốt đỗ bị gãy. Hãy nhớ luôn kéo phanh tay khi đỗ xe.
Bắt xe "tải" thêm trọng lượng không cần thiết
Những kiện hàng hoặc đồ vật không cần thiết, dù nhỏ nhẹ nhất cũng góp phần tác động lên mức tiêu thụ nhiên liệu hay độ bám lái của xe. Hơn thế nữa, chúng còn tạo thêm áp lực lên các bộ phận như hệ thống treo, phanh các linh kiện trong hệ truyền động của xe. Vì vậy, hãy chăm chỉ dọn dẹp cabin cũng như cốp xe.
Để mức xăng trong bình tụt quá thấp
Đôi khi việc đổ đầy bình xăng (hay dầu) của xe tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ. Vì vậy, nhiều người chỉ đổ "dăm ba" lít một lần. Tuy nhiên, điều này có thể khiến xe hư hỏng nặng. Các loại bơm nhiên liệu hiện đại được làm mát bằng cách ngâm trong chính nhiên liệu của xe. Do đó, lái xe với quá ít nhiên liệu trong bình sẽ khiến bộ phận này nóng lên và nhanh hỏng hơn. Luôn giữ bình nhiên liệu của xe tối thiểu ở mức đầy 1/4.
Dừng hoặc tăng tốc đột ngột
Việc này thì không có gì khó hiểu cả. Vù mạnh ga đúng là "đã" thật, nhưng tiêu tốn nhiên liệu hơn bình thường rất nhiều. Phanh gấp đôi lúc cần thiết, nhưng khiến má phanh và các rô-to mòn rất nhanh. "Nhẹ chân ga, vững tay lái" vẫn luôn tốt nhất.
Vù ga ở số N khi máy đang nguội
Việc cho máy nổ tại chỗ một, hai phút sau thời gian dài không hoạt động không phải là ý kiến tồi. Việc này giúp làm nóng máy và cho dầu máy lưu thông trở lại. Tuy nhiên, vào ga tại chỗ khi máy còn đang nguội lại không tốt chút nào. Dù tiếng gầm từ ống xả phát ra nghe "sướng tai" thật nhưng sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây hư hỏng cho các linh kiện của xe. Ngoài ra, một số bộ phận trong động cơ chưa được dầu bôi trơn kịp cũng cũng sẽ bị ăn mòn.
Đạp chân côn quá lâu
Nhiều người có thói quen không về mo khi dừng đèn đỏ mà chỉ dìm côn rồi nới ra khi đèn xanh. Việc này gây tổn hại tới đĩa nén (pressure plate), vòng bi tỳ côn (release bearing) và thân côn (release arm) dẫn tới khả năng chân côn hỏng đột ngột. Chúng ta nên để xe ở số mo khi dừng đèn đỏ tới khi đèn sắp chuyển xanh.
Chuyển từ số lùi sang số tiến khi xe vẫn đang chuyển động
Hành động này thường hay xảy ra khi chúng ta xoay sở đỗ xe. Đây là việc cần cố gắng tránh bằng mọi giá vì nó gây áp lực mạnh lên hệ truyền động khi ép nó đột ngột đi theo hướng ngược lại. Hãy đảm bảo xe đã dừng hoàn toàn trước khi về lại số tiến.
Rà phanh liên tục khi xuống dốc
Không ít người có thói quen giẫm phanh liên tục trong quá trình xe xuống dốc để tiện xử lý tình thật nhanh chóng. Việc này khiến hệ thống phanh bị nóng quá mức gây ăn mòn má phanh cũng như các rô-to. Thay vào đó, khi xuống dốc chúng ta nên về số thấp để phanh bằng động cơ (engine braking) thông qua sự giảm áp suất tự nhiên của hệ truyền động. Phương pháp phanh này hiệu quả không kém gì phanh thông thường.
Bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo xe đang có vấn đề
Nhiều người thường không chú ý đến những tiếng động bất thường rất nhỏ mà chiếc ô tô của mình phát ra cho tới khi xe thực sự gặp trục trặc. Đừng "mất bò mới lo làm chuồng", hãy quan tâm tới từng chi tiết nhỏ nhặt nhất của xe và cho "xế yêu" đi khám ngay khi nhận thấy bất cứ sự bất thường nào.
Những thói quen kể trên nhiều khi rất khó để từ bỏ, nhất là với những lái xe kỳ cựu. Tuy nhiên, chúng ta hãy nghĩ tới số tiền sửa chữa có thể tiết kiệm được và lấy đó làm động lực để chiếc xe thân yêu tránh khỏi những hư hại không đáng xảy ra cũng như bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình.
Theo Otofun News