Để đảm bảo việc mua lại chiếc xe cũ có tương xứng với số tiền bỏ ra hay không, cũng như có thể biết được độ tin cậy của người bán, thì bạn cần phải thực hiện các bước kiểm tra cơ bản dưới đây trước khi bắt đầu tiến hành giao dịch.
Khởi động xe
Trước khi nhận xe từ người bán, bạn cũng không nên quên khởi động máy, kiểm tra chất lượng động cơ và âm thanh ống xả để đảm bảo chiếc xe vẫn hoạt động tốt.
Đa số những dòng xe cũ vẫn thường sử dụng chìa khoá để khởi động, do đó bạn cần lưu ý thêm: mỗi lần khởi động không được quá 5 giây, sau 3 lần khởi động mà động cơ không nổ thì phải dừng lại để kiểm tra hệ thống nhiên liệu và hệ thống đánh lửa, sau đó mới tiếp tục khởi động. Bởi vì, nếu vừa xoay chìa khóa khởi động lại vừa đạp ga nhiều lần thì động cơ càng khó nổ, hơn nữa nếu động cơ khó nổ mà nhiều lần xoay chìa khóa thì rất dễ hỏng máy.
Trong trường hợp xe có bố trí bộ phận khởi động bằng tay quay, bạn cần lưu ý trước khi khởi động phải kéo chặt phanh tay, chèn xe chắc chắn, đưa cần số về vị trí số “0”, quay trục khuỷu từ 10-15 vòng để đưa nguồn cung cấp cho các phụ tải, đạp ga khoảng 1/3 hành trình. Khi quay, người lái xe đứng chếch một góc 45 độ so với đường tâm của tay quay, để tay quay ở phía dưới, hai tay nắm chắc tay quay và giật mạnh từ dưới lên.
Quan sát tổng thể
Người mua cần nhìn bao quát cả chiếc xe từ các chi tiết bên ngoài như lớp sơn, cửa xe, mâm lốp, kính chắn gió, gương chiếu hậu, hệ thống cụm đèn… cho đến những phần nội thất bên trong như bộ ghế, bảng táp-lô điều khiển, vô-lăng, lẫy chuyển số, hệ thống điều hoà… nhằm đảm bảo vẫn duy trì hoạt động tốt và nếu chẳng may gặp hư hỏng, cần thoả thuận với bên bán để thực hiện sửa chữa, thay thế khi cần thiết.
Ngoài ra, người mua cũng có thể đưa ra các câu hỏi mang ý thăm dò từ người bán đối với chiếc xe về phụ tùng thay thế, kinh nghiệm chăm sóc, các lưu ý hay lời khuyên sử dụng trong quá trình vận hành và điều khiển xe.
Kiểm tra dầu nhớt
Cách đơn giản để người mua xe kiểm tra độ tinh của dầu nhớt chính là dùng một que châm để xác định chất lượng thông qua màu sắc của nó.
Thông thường, người mua có thể quan sát bằng mắt thường với màu vàng có nghĩa là dầu còn mới và sử dụng hiệu quả; còn khi chuyển sang màu đen thì đồng nghĩa với độ tinh của dầu nhớt đã giảm đi nhiều bởi các chất bụi bẩn hoặc bị bào mòn do các chi tiết động cơ ma sát và cần được sớm thay thế. Trường hợp đặc biệt hơn là dầu nhớt có màu nâu, cho thấy bộ lọc dầu hoặc một bộ phận nào đó bên trong có thể gặp hư hỏng hoặc đã bị gỉ sét, cũng cần được kiểm tra và thay thế kịp thời để không ảnh hưởng đến quá trình vận hành của xe.
Mở nắp capô
Thao tác tưởng chừng không quá quan trọng này lại cũng nên được quan tâm đến, bởi không ít những bộ phận quan trọng nằm dưới nắp ca pô như động cơ, két nước làm mát, ắc-quy, hệ thống dây điện phức tạp cùng các ống dẫn khí nạp… Đây còn là điều kiện bắt buộc đối với bất kỳ ai muốn tiến hành việc bảo dưỡng, sửa chữa cho xe.
Các chốt chính và chốt phụ của nắp capô phải hoạt động thường xuyên do được mở/đóng nhiều lần, có thể dẫn đến bị lỏng chốt hoặc rất khó khăn để mở lên, thậm chí là bị hư hỏng vì thao tác không đúng cách.
Người mua nên bắt đầu mở nắp capô kiểm tra cho xe đỗ tại vị trí bằng phẳng rồi kéo phanh tay. Sau đó, xác định vị trí lắp chốt chính bên trong khoang hành khách bên phía ghế lái, hoặc tuỳ vào vị trí của các nhà sản xuất khác nhau. Hầu hết đều được bố trí ở trên hoặc ở gần bên trái hộp panel điều khiển nhưng cũng có thể nó nằm ngay trên bảng điều khiển hoặc ở dưới trụ lái. Cuối cùng, thử làm vài lần mà vẫn trơn tru thì chứng tỏ các chốt hoạt động bình thường và có thể yên tâm với bộ phận này.
Yêu cầu lái thử
Khâu kiểm tra cuối cùng chính là hãy cầm lái và chạy thử chiếc xe mới của bạn, có thể chia thành 2 giai đoạn là khi xe đứng yên và khi di chuyển.
Khi xe đứng yên, ở vị trí ghế lái, người mua cần ngồi xem có cảm giác thoải mái và dễ dàng chỉnh hướng hay không, mở thử dàn lạnh xem hướng gió có trải đều hay xuất hiện dấu hiệu bất thường nào, bật cả dàn âm thanh và giải trí đa phương tiện, vặn chỉnh cửa kính lên xuống có hoạt động ổn định không…
Khi xe lăn bánh, người lái cần quan sát tầm nhìn kính chắn gió có rộng không, tìm nhìn từ góc chữ A khi vào cua; các phím điều khiển trên vô lăng có điều chỉnh dễ dàng không; sử dụng lẫy chuyển số và phanh tay kết hợp với chuyển sang nhiều chế độ lái khác nhau.
Ngoài ra, người lái cần cho xe tăng tốc và giảm tốc để kiểm tra chân ga, kết hợp với phanh ABS để xem xe có thực sự hoạt động bình thường không; nếu xe vào khu vực có địa hình thì cũng nên cảm nhận về khả năng linh hoạt của hệ thống treo, giảm xóc và độ thích ứng của lốp xe… nhằm đảm bảo khả năng vận hành của xe ở trạng thái tốt nhất.
Theo CafeAuto