Trung bình, chi phí để sơn lại một vài bộ phận hay sơn xóa xước cho xe thì rất rẻ nhưng để sơn lại toàn bộ xe thì lên tới cả chục triệu đồng.
Sơn lại xe ô tô giá bao nhiêu?
Thông thường, vì nhiều lí do như xây xước, tai nạn hay đơn giản là sở thích mà chủ xe thường sẽ quyết định thay màu cho bề ngoài của xe, nói cách khác là sơn lại xe. Việc sơn lại xe này thường tiêu tốn 1 khoản tiền không nhỏ, kèm theo đó là việc sơn lại xe cũng phần nào gây ảnh hưởng tới lớp sơn gốc của xe.
Thông thường, tùy vào tình trạng vỏ xe mà công cuộc sơn lại xe có thể nhanh hoặc chậm. Trong trường hợp chủ xe chỉ sơn lại xử lí các vết trầy xước lớn thì chỉ mất vài tiếng, nhưng nếu sơn toàn bộ xe với các màu khó thì quá trình có thể mất tới 72 tiếng.
Chủ xe cũng cần biết rằng, một khi đã sơn lại xe thì cần chú ý thêm đến các vấn đề thủ tục. Ví dụ, nếu như xe sơn màu khác màu nguyên bản thì cần đăng kí đổi màu xe với công an để tránh các rắc rối liên quan đến việc chứng minh quyền sở hữu xe.
Quy trình sơn lại xe ô tô
Thông thường, để sơn lại 1 chiếc xe ô tô cần trải qua khá nhiều công đoạn. Đầu tiên, thợ sơn phải xử lí những vết lồi lõm, xước trên thân xe cho về dạng phẳng nguyên bản. Đây là 1 khâu rất quan trọng vì nếu làm đồng tốt thì sơn sẽ bám bền hơn.
Khi làm phẳng xe, nếu như xe bị móp ở những điểm không thể luồn búa vào gò như babule, cánh cửa thì đôi khi chủ xe sẽ phải chấp nhận cho thợ làm máy hàn rút tôn để giật vỏ ra. Ở một số cơ sở không có dụng cụ thì thợ máy phải khoan bắt vít rồi giật ra, gây hại rất lớn đến thân xe và thậm chí là phải thay cả miếng tôn khác vào.
Khi khâu chuẩn bị xong, thợ máy sẽ tiến hành mài, bả. Thông thường, bột bả sẽ được các hãng sơn bán sẵn.
Cụ thể, công đoạn mài bả thường tiêu tốn rất nhiều thời gian vì muốn bả phẳng thì phải đợi bả khô, tiếp tục mài nước thêm 2-3 lần nữa. Trong quá trình phải dùng 2 loại bột bả là bả thô và bả láng, làm đi làm lại mới có thể tạo được mặt phẳng trơn nhẵn.
Tiếp đó, thợ máy phải chuẩn bị các nguyên liệu sơn xe. Dĩ nhiên trước khi sơn thì vỏ xe phải khô, sạch và che chắn sẵn các chi tiết không cần sơn đến. Các vùng không cần sơn có thể dán băng keo để che lại, hoặc quét mỡ loáng. Trước khi sơn cũng phải đảm bảo khu vực sơn có không khí khô, hút ẩm.
Sau khi chuẩn bị xong, thợ xe sẽ phải tìm màu để sơn. Trong trường hợp chủ xe muốn sơn lại màu gốc cho xe thì phải tra mã màu. Thông thường mỗi chiếc xe chính hãng xuất xưởng thường có mã màu ghi sẵn ở nắp capô, thợ chỉ cần đối chiếu với catalog là có thể tìm được màu sơn. Còn nếu trường hợp chủ xe muốn đổi xe sang màu khác thì sẽ tham khảo theo catalog của cửa hàng để chọn màu ưng í.
Sau khi xác định được màu sơn, chuyên viên sẽ pha lượng sơn cần thiết để phủ lên xe. Đối với các thợ lâu năm thì quá trình nhẩm tính này căn bản không thành vấn đề. Thậm chí, chỉ cần thợ nhập mã số màu và tổng số sơn cần pha vào bảng tính trên phần mềm của hãng sản xuất sơn và có thể tính ra chính xác số lượng sơn dùng để pha ra màu cho xe, định hình đến từng 1/10 gram. Nhiều dòng xe ăn khách thậm chí còn ghi sẵn công thức pha sơn trên thẻ mã màu.
Khi đã chuẩn bị xong, cabin sẽ mở thiết bị hút gió để bụi sơn không bay loạn làm bẩn không khí. Sau đó, máy nén khí sẽ nối với súng phun sơn đi qua bộ lọc ẩm để chắc chắn rằng sơn không còn hạt nước đọng lại.
Việc sơn thường thực hiện theo 2 giai đoạn, phun nước màu thứ nhất, sau đó chờ khô mới phun lớp thứ 2. Cuối cùng là phun dầu bóng và lớp dầu phải thực sự dày vì nó sẽ là tường thành ngăn sơn bên trong tiếp xúc với môi trường. Vậy nên các hãng sơn thường cung cấp sẵn dầu này đi kèm nhưng chất lượng của mỗi hãng sẽ khác nhau.
Sau khi sơn xong, xe sẽ được đánh bóng bề mặt để giúp 2 lớp sơn cũ mới hài hòa hơn. Tùy theo tay nghề đánh bóng của thợ mà độ chênh của sơn cũ mới có thể khác nhau. Vì sơn bằng súng nén khí nên lớp dầu bóng đôi khi không quá phẳng, phải dùng giấy giáp để đánh lại. Cuối cùng là thợ bôi xi bóng lên toàn bộ xe và đánh kĩ lại. Công đoạn này có tác dụng giúp mảng sơn mới cũ đi mà làm sáng mảng sơn cũ lên, nói cách khác nếu làm tốt thì trông chiếc xe sẽ như mới, chưa hề qua chỉnh sửa.
Thông thường các gara đều sẽ tiến hành bảo hành cho chủ xe trong khoảng 1 năm để chắc chắn rằng chiếc xe không bị ngả màu hay có các vùng sơn không đều màu.
Sơn lại xe ô tô giá bao nhiêu?
Hiện tại, giá cả của việc sơn xe thường phụ thuộc vào dòng sơn mà xe sử dụng. Sơn càng đắt tiền thì lớp vỏ xe càng đẹp nhưng số tiền chi ra cũng nhiều tương ứng. Hiện thị trường Việt Nam khá đa dạng các dòng sơn với nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Trong đó 4 dòng sơn chính hãng được hầu hết các gara sử dụng là: Dupont, ICI (nexa), Sikken và Lessomal (chất lượng thấp nhất, chuyên dùng cho xe tải). Cụ thể, hầu hết các dòng xe của Mercedes ở Việt Nam sẽ dùng Sikken, trong khi Toyota dùng Dupont, Ford dùng Dopont và ICI.
Hiện tại, giá sơn một vài bộ phận của xe (năp ca-pô, cản trước, cánh cửa, cốp sau, nóc...) thường khá rẻ, từ 400.000 - 1,5 triệu đồng. Còn với quy trình sơn cả xe thì có giá trung bình từ 8-12 triệu đồng, có thể thay đổi tùy theo dòng sơn bạn yêu cầu. Trong trường hợp chủ xe muốn sơn dưới dạng đổi màu xe thì mức giá sẽ cao hơn, ít nhất từ 10 triệu đồng đổ lên.
Theo oto